"Có mỗi một phép tính đơn giản thế này mà dạy mãi không nhớ. Học hành thế này thì mai sau đi quét rác, móc cống thôi con ạ" - tiếng mắng nhiếc của người hàng xóm với đứa con đang học lớp 3 gây huyên náo cả khu phố tôi ở. Thực tế, đây chẳng phải là lần đầu tôi bắt gặp những lời giận dữ của người mẹ ấy với con mình. Cậu bé vốn nghịch ngợm, hiếu động, nên hay mất tập trung chuyện học hành. Thế nhưng gần như học kỳ nào tôi cũng thấy bé đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, chỉ là dường như mẹ cậu vẫn chưa bao giờ thấy hài lòng với điều đó.
Dịp Tết vừa qua, gặp họ hàng, người thân, tôi cũng nhận được vô số câu hỏi của mọi người về việc "con trai học thế nào?", "có được học sinh giỏi không?". Đáp lại tất cả những thắc mắc đó, tôi chỉ mỉm cười nói rằng "cũng tàm tạm", tránh đề cập quá sâu và nhanh chóng lảng sang chuyện khác. Tôi không hề muốn gây sức ép, hay khiến con mình áp lực với những câu hỏi như vậy. Là người gần con nhất, luôn bên con suốt thời gian trong năm, nên tôi hiểu hơn ai hết những cố gắng mà con đã bỏ ra. Chuyện thành tích thế nào, với tôi không quá quan trọng.
Con tôi năm nay chuẩn bị lên lớp 12, phía trước là những kỳ thi quan trọng và ngưỡng cửa đại học, cao đẳng đang đón chờ. Thông thường, với những phụ huynh khác mà tôi quen biết, đây là thời gian chạy đua cùng con để giành thành tích cao nhất, học hành tối đa để chuẩn bị cho kỳ thi quyết định đời người. Trong nhóm chat của hội phụ huynh, tôi thấy các bố, các mẹ bàn tán khá sôi nổi về việc chọn trường, chọn ngành cho con ở bậc đại học. Họ thi nhau vẽ ra những cột mốc, những đích đến ý tưởng để con mình vươn tới. Thứ mà người ta vẫn hay gọi với cụm từ "định hướng nghề nghiệp".
Nói là định hướng, nhưng theo những gì tôi quan sát, phần lớn các gia đình đều cố gắng can thiệp sâu nhất vào các quyết định của con cái. Họ vạch sẵn lộ trình, tính toán đầu ra, thậm chí sắp xếp hết cả chỗ làm sau khi ra trường cho con để đảm bảo tìm được một con đường bằng phẳng, thuận lợi nhất. Tất nhiên điều đó không sai, bởi cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con trong khả năng. Có điều, đôi khi, sự đính hướng quá đà lại trở thành áp đặt. Tôi tự hỏi liệu trong số học sinh lớp con tôi, có bao nhiều em thực sự biết mình muốn gì trong tương lai và lựa chọn con đường đi theo mong ước của bản thân, thay vì nghe theo cha mẹ?
Tôi lại có quan điểm hoàn toàn khác. Suốt quãng thời gian con đi học, tôi gần như rất ít khi can thiệp quá sâu vào các quyết định của con. Từ việc thi trường chuyên, lớp chọn, đến tham gia vào đội tuyển gì của trường... tất cả đều do con tự quyết. Tôi chỉ giải đáp các thắc mắc của con để làm rõ hơn các hướng đi để con lựa chọn. Tôi tôn trọng mọi sở thích, mơ ước, mục tiêu mà con đề ra và không có thêm bất cứ yêu cầu nào.
>> Nhiều người bị ám ảnh danh vọng
Con trai tôi thực ra không quá đặc biệt so với những đứa trẻ khác. Con đam mê chơi bóng rổ, thích học ngoại ngữ, những môn khác chỉ ở mức khá. Con cũng chưa bao giờ giành được một giải thưởng gì đặc biệt suốt từ tiểu học lên THPT, học lực luôn ở vị trí giữa lớp. Nhưng tôi coi điều đó là hết sức bình thường. Bởi bản thân tôi cũng chẳng dám chắc rằng mình làm được hơn con, nên không có lý do gì lại chất lên lưng con những thứ to tát. Tôi cũng chẳng thông tuệ, sáng suốt đến mức có thể định hướng được cho tương lai của con, vì thế tôi để con tự quyết.
Tôi từng rất ngưỡng mộ tinh thần làm việc của cô công nhân vệ sinh khu mình ở. Có nhiều bữa, vì phải ra khỏi nhà đột xuất, tôi buộc phải để tạm túi rác trước cửa nhà. Ấy về mà khi trở về, tôi đã thấy rác được thu gọm sạch sẽ. Bữa sau gặp lại cô, tôi cũng chẳng nhận phải một sự ca thán nào ngoài những cái cười thân thiện của cô. Thậm chí, có bữa đánh kẻng không được, tôi thấy cô đi bấm chuông từng nhà để gọi người dân ra đổ rác kẻo trễ.
Cái người mà như hàng xóm của tôi đem ra để dọa con là "quét rác" ấy, họ chẳng làm những công việc sang chảnh, chẳng có danh vọng hay quyền lực, họ chỉ làm việc bằng cả con tim để giúp cuộc sống trở nên gọn gàng, sạch sẽ hơn, nhưng cũng đủ khiến cho người ta phải nể phục. Với tôi, những công việc ấy thật ý nghĩa, chẳng có chút nào rẻ mạt hay nghèo hèn.
Sau này khi con lớn lên, tôi cũng chỉ mong con trở thành một người bình thường như vậy. Dù con làm bất cứ công việc gì, dù là việc trí óc hay tay chân, miễn là việc lương thiện, chỉ cần con làm bằng tất cả trái tim và khối óc, đem lại một giá trị tốt đẹp nào đó cho cuộc đời, vậy là đủ. Tôi mong con sẽ được mọi người quý mến, tôn trọng, tự cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình, chứ không cần phải là ông nọ, bà kia, khiến người ta thèm khát.
Tôi hy vọng tất cả những ông bố, bà mẹ sẽ hài lòng với chính đứa con của mình. Cho dù chúng chỉ là những con người bình thường, chẳng làm các công việc cao sang, chỉ cần các bạn luôn thấy chúng đặc biệt trong tim, là đủ để định hướng cho tương lai của con trẻ rồi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.