Có những bất cập trong nền giáo dục phổ thông, theo tôi cần phải thay đổi. Tôi thấy phần nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông không hơn là mấy những người không đi học ở một số điểm:
- Tư duy không có chiều sâu: trong một rừng thông tin, họ không thể chọn lọc được đúng - sai, không biết được thực hư của vấn đề:
Qua thực tế, tôi thấy rất nhiều học sinh đã tốt nghiệp phổ thông, dù học rất nhiều về hàm số, nhưng lại không biết hàm số là gì, không biết delta trong công thức nghiệm của phương trình bậc hai một ẩn số từ đâu mà có, không biết định nghĩa đạo hàm và cách lấy đạo hàm. Vẫn biết rằng những thứ đó ra trường không có nhiều cơ hội ứng dụng, nhưng khi học những kiến thức này, các em sẽ được làm quen với suy nghĩ có chiều sâu, tư duy được "từ đâu có, tại sao có", từ đó hình thành thói quen suy luận.
- Không có khả năng phản biện:
Các em có quá ít thời gian để tranh luận, tham gia ngoại khóa trên lớp nên khả năng phản biện rất kém. Không dám hoặc không có đủ lập luận để tham gia tranh luận, phản biện.
- Đạo đức suy yếu: quên cội nguồn, không biết trên - dưới, thiếu tự trọng (do học sinh phải chạy theo chương trình nảy sinh gian lận, giáo viên chạy theo thành tích nảy sinh tiêu cực). Văn hoá pháp luật, giao thông và giao tiếp kém...
Những vấn đề này, phần nhiều là do giáo dục mà ra. Do vậy, đã đến lúc chúng ta nên đặt lại mục tiêu của giáo dục phổ thông. Học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông phải:
1. Có khả năng tư duy.
2. Có khả năng diển đạt cho người khác hiểu, có khả năng phản biện.
3. Biết tự trọng, biết cội nguồn, kính trên nhường dưới. Có văn hoá pháp luật, giao thông, giao tiếp theo cách của người hiểu biết.
>> Học Toán - 'đừng biến con thành máy giải'
Từ những mục tiêu đó, tôi cho rằng, giáo dục phổ thông cần thay đổi những điểm sau:
- Giảm gần một nửa chương trình học, dành thời gian cho tranh luận và ngoại khóa.
- Không sử dụng chương trình xoắn ốc.
- Đi sâu vào nguồn gốc của từng bài học.
- Không cần thi tốt nghiệp.
Làm được như thế, các em học sinh sẽ tiếp cận các ngành học chuyên sâu dễ dàng hơn, hoặc ít nhất các em cũng sẽ sống có chiều sâu hơn, có khả năng phản biện tốt thì công việc giảm rủi ro, đạo đức tốt hơn.
Nói thêm về giáo dục, vì sao phải có nhiều giờ thảo luận? Bởi nó sẽ tạo cho học sinh có chính kiến, tư duy logic, phản biện tốt:
- Từ những giờ thảo luận, các em nói ra được những suy nghĩ của mình, dần dần thành thói quen, biết bảo vệ những lời nói của mình trong tương lai.
- Cũng nhờ thảo luận thường xuyên nên các em suy nghĩ có chiều sâu để bảo vệ những phát biểu của mình
- Thói quen phản biện rất cần trong cuộc sống: Khi đưa ra một quyết định gì, các em sẽ đặt những trường hợp ngược lại, những trường hợp xấu có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh sẽ chính xác hơn. Xa hơn nữa là phản biện cho cơ quan làm việc, giúp tổ chức giảm thiểu rủi ro. Phản biện cũng giúp cho xã phát triển tốt hơn.
Ở các nước phát triển, trong các cuộc họp, người ta phản biện rất khí thế, để khi ra làm việc thì cứ thế mà làm, không phải tranh cãi nhiều. Ở Việt Nam, do giáo dục chưa quan tâm nên ít ai dám có ý kiến ngược lại với lãnh đạo, từ đó không ai muốn nói gì trong cuộc họp, đến khi làm thì lung tung, rối rắm. Do vậy, tôi đề nghị sớm thay đổi chương trình giáo dục: Giảm chương trình học, tăng giờ thảo luận, giáo dục nhân cách nhiều hơn cho học sinh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.