Đồng cảm với câu chuyện "Khi trẻ 'chạy đua' học ngoại khóa", độc giả Hien Pham chia sẻ chính trải nghiệm thực tế của bản thân: "Hôm bữa, con tôi đi học bóng rổ, bị các bạn không chơi cùng vì chơi không giỏi. Tim tôi như rớt một nhịp và thấy rất buồn. Tôi hiểu ra rằng chẳng trách mà các bố mẹ cứ chạy đua cho con học cái này, cái nọ. Mới chỉ năm tuổi mà các con đã biết phân chia, so bì chuyện học hành.
Thật ra, cho bọn trẻ quyền lựa chọn, có lẽ chúng chỉ chọn chơi, xem điện thoại và tivi mà thôi. Trong khi bố mẹ lại luôn nghĩ như thế là quá lãng phí thời gian, nên đua nhau cho con học thêm. Nhìn bạn con mình học Đông, học Tây và thấy luôn cả sự tiến bộ những đứa trẻ khác, tôi từng tự nhủ không nặng nề chuyện học của con nhưng thấy áp lực và nóng ruột kinh khủng. Mỗi ngày, tôi cố dặn bản thân: "không nặng nề chuyện học, để cho con thoải mái".
Vào các diễn đàn học tiếng Anh, các bé ba tuổi, năm tuổi ngày nào cũng quay video trả bài, học đến tối muộn mới ngủ. Đúng là các bé có tiến bộ thật, nhưng không biết tương lai các con có sợ việc học không? Học mà không vui thì chỉ nhồi ép và duy nhất bố mẹ vui vì con học hơn bạn bè. Thật sự, để cưỡng lại việc ép con học cái này, cái kia rất khó. Học ngoại khóa, các môn năng khiếu chỉ nên vì mục đích giúp trẻ vận động và vui chơi, chứ không nên học nặng nề, nhồi nhét, ép chín".
Đồng quan điểm, bạn đọc Minh Đạt nhấn mạnh: "Các bậc phụ huynh đã quên mất một điều rằng chúng ta đều là con người. Mà đã là người thường sẽ có đặc điểm hoặc sở thích riêng. Chúng ta có thể đam mê một thứ, nhưng lại nhàm chán với một thứ khác. Chúng ta có thể chuyên về một lĩnh vực này, nhưng sẽ không chuyên trong một lĩnh vực khác. Chúng ta không thể nào ôm lấy tất cả. Trẻ em cũng như vậy, chúng không phải là các siêu anh hùng có thể toàn năng trong mọi lĩnh vực. Phải có những thứ chúng thích hoặc không. Việc tốt nhất là chỉ nên trang bị cho các em các kỹ năng sống cần thiết, còn về những môn ngoại khóa nên linh động tùy theo năng khiếu và sở thích của mỗi bé. Đừng chỉ vì thành tích mà bắt các em chạy đua một cách không cần thiết, đôi lúc sẽ dẫn tới những phản ứng ngược vô cùng đáng tiếc".
"1. Sẽ là ý niệm sai lầm khi cho rằng đào tạo tất cả, sau đó sẽ phát hiện tài năng cho đất nước. Đây là câu chuyện theo quy luật chọn lọc và xác suất thống kê.
2. Một khi ý trên được áp dụng, sẽ kéo theo hệ lụy là mọi người cũng phải đua theo, đây là quy luật số đông vì nếu bạn không làm sẽ bị tụt lại phía sau. Trừ khi bạn có đủ chất dị biệt để tách ra khỏi đám đông.
3. Ở Việt Nam vẫn nặng tư tưởng thầy hơn thợ, mặc dù mấy năm nay xã hội đã tích cực hơn ở khâu đào tạo thay đổi tư tưởng này. Cha mẹ thường hay khen con thông minh khi đứa nhỏ phát biểu một câu rất người lớn mà quên mất việc cũng cần khen khi đứa nhỏ tự vệ sinh cá nhân (đừng xem đó là việc hiển nhiên)", độc giả Noop nói thêm.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.