Để một người trưởng thành thành công, nhất thiết người đó phải có kiến thức và nhận thức về tài chính, về hạnh phúc từ nhỏ. Nhận thức là cách thức cảm nhận trải nghiệm cuộc sống. Do đó, giáo dục tiểu học cần định hướng phát triển cho các em biết sống, biết tư duy, cảm nhận thế giới xung quanh, biết vị tha, chia sẻ, biết biến suy nghĩ tiêu cực thành tích cực...
Có một câu chuyện thế này: Một đứa bé đang đi một mình dưới trời mưa sấm chớp, thỉnh thoảng bé đứng lại cười tươi. Người mẹ rất lo cho con và khi tới đón con, bà hỏi "con không sợ sao?". Đứa bé trả lời "con phải chỉn chu và cười tươi để thượng đế chụp hình con". Một đứa bé trong hoàn cảnh nguy hiểm vẫn suy nghĩ một cách rất tích cực như vậy. Bởi thế, không nên chờ bão táp đi qua, mà hãy nhảy múa cùng cơn mưa.
Một kỹ năng cực kỳ quan trong khác là ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Khi trưởng thành, để hòa nhập với thế giới bên ngoài, tiếng Anh là thứ ngôn ngữ cho phép ta cảm nhận thế giới, nâng cao trí tuệ, tiếp thu kiến thức tiên tiến từ khắp nơi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã chứng tỏ Tiếng Anh là môn yếu nhất của học sinh Việt Nam. Vậy mà chương trình giáo dục bấy lâu nay vẫn cứ loay hoay, dậm chân tại chỗ.
Do đó, theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mạnh dạn bỏ bớt 50% khối lượng các môn Toán, Tiếng Việt và bổ sung có chất lượng các môn kỹ năng xã hội và Tiếng Anh. Tôi có đưa con mình đi học thử một khóa học kỹ năng, họ mua hẳn bản quyền chương trình nước ngoài rất hay. Bé được học cách quan sát, tư duy, lãnh đạo, giải quyết vấn đề và cách đưa ra quyết định. Chúng ta nên tham khảo và đưa vào giảng dạy những thứ như vậy trong nhà trường cho các em học sinh cả nước.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.