Thứ năm, 5/12/2024
Thứ sáu, 2/3/2018, 11:00 (GMT+7)

Những CEO trẻ đam mê làm nông nghiệp sạch

CEO nước mắm Đảo Mê, muối Bạch Long, bún thôn Đường, hồng môn Lâm Đồng, rau sạch Greenfarm... đều thuộc thế hệ 8-9X.

Cuộc sống hiện đại, nhiều người muốn làm bác sĩ, kiến trúc sư, doanh nhân hay ngôi sao nổi tiếng, chứ ít ai nghĩ đến nghề nông. Tuy nhiên, không ít người trẻ thời nay vẫn dấn thân làm nông nghiệp sạch bằng tất cả niềm đam mê của mình.

Kỹ sư, cử nhân làm trái ngành

Lê Phúc Phong (sinh năm 1988) từng là kỹ sư xây dựng theo chân các công trình vào Nam ra Bắc, phấn đấu làm đến vị trí quản lý với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, anh từ bỏ tất cả để trở về vực dậy nước mắm quê hương. Đảo Mê (xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia) là nơi anh chọn để xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của mình.

Anh Phong cho biết, kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất để làm được nước mắm ngon. CEO 8x phải học hỏi lại từ đầu và nhờ nhiều bạn bè làm kỹ sư nông nghiệp giúp đỡ. Sau nhiều năm lăn lội, nhà máy nay đã có công suất một triệu lít mỗi năm với trên 100 điểm bán tại nhiều tỉnh thành.

polyad

Anh Phong (phải) tại nhà máy nước mắm đảo Mê. Ảnh: Bizmedia

Đoàn Ngọc Hiếu là gương mặt khác cùng từ bỏ cơ hội học tiến sĩ để về quê làm nông. Sinh năm 1988 tại Lâm Đồng, anh chọn học ngành Công nghệ sinh học của Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) vì đam mê nông nghiệp từ nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp, anh Hiếu được giữ lại tại trường giảng dạy, học cao học và có cơ hội lên tiến sĩ. Tuy nhiên, anh lại quyết định gắn bó với nghề trồng hoa hồng môn, đầu tư tiền bạc vào 3 sào nhà kính, 3 sào nhà lưới và nhập giống chất lượng từ Hà Lan. Đến nay mỗi tuần nông tại của anh cung cấp hơn 3.000 bông hồng môn cho thị trường. Doanh thu ổn định gần 100 triệu đồng mỗi tháng.

CEO đem khoa học về nối nghiệp ông cha

Phạm Văn Cương sinh ra và lớn lên ở đất muối Bạch Long, nên hiểu thấu cuộc sống nhọc nhằn của "diêm dân" địa phương. Anh kể, vì không đành lòng nhìn những giọt mồ hôi rơi mặn hơn cả hạt muối, cũng không muốn rời bỏ quê hương, nên anh đã cất công tìm hiểu vì sao muối Bạch Long lại có giá bán thấp hơn nhiều loại khác trên thị trường.

Cuối cùng, chàng trai trẻ quyết định đổi mới, làm muối sạch theo mô hình của Thạc sĩ Bùi Sơn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Muối biển. Nhờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi tháng, Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải của anh và bà con Bạch Long đã xuất khoảng 1.000 tấn hàng đi khắp cả nước.

Ở thôn Đường (An Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh), anh Nguyễn Viết Hùng cũng nhận thấy nghề làm bún truyền thống tại địa phương quá thủ công, vất vả, chỉ có thể tiêu thụ ngay trong ngày. Vì vậy, anh mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc vào thay thế sức người. Hiện, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Nông sản Bình Minh có thể sản xuất 2 tấn bún mỗi ngày cho thị trường, đem lại thu nhập ổn định cho gần 30 nhân công.

Quy trình sản xuất bún sạch thôn Đường

Những CEO trẻ đam mê làm nông nghiệp sạch
 
 
 

Người làm truyền thông cho nông nghiệp sạch

Truyền thông cho nông nghiệp sạch là con đường khác mà Bá Tiến (sinh năm 1994) chọn đi. Cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân hiện giữ vai trò MC chương trình truyền hình thực tế Nông nghiệp sạch, phát sóng lúc 18h20 trên VTV1. Rong ruổi trên chiếc bán tải Nissan Navara NP300 cùng đoàn sản xuất phim từ tháng 11/2016 đến nay, Bá Tiến đã giúp quảng bá hàng trăm mô hình sản xuất an toàn và đặc sản 63 tỉnh thành đến gần người tiêu dùng hơn.

Bá Tiến cho biết, lý do lớn nhất thôi thúc bản thân tham gia Nông nghiệp sạch, là đưa sản phẩm của những người nông dân như cha mẹ mình có thể đi xa hơn khỏi lũy tre làng.

"Những ngày giáp Tết, cả đoàn vẫn tất bật đi quay về tình hình sản xuất nông sản nhiều địa phương. Sau chương trình, nhiều bà con gọi điện chia sẻ và cảm ơn, vì nông sản của họ được quảng bá trên tivi, khiến mình càng muốn cố gắng đi nhiều hơn", Tiến chia sẻ.

polyad

Bá Tiến trong chuyến đi quay Nông nghiệp sạch. Ảnh: Bizmedia

Tớc đây, Bá Tiến vẫn nghĩ rằng nghề nông phải dựa nhiều vào các điều kiện tự nhiên, thụ động và phụ thuộc phần lớn vào thời tiết nên việc nuôi trồng dễ gặp khó khăn. Song, sau khi được đi nhiều và trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chàng MC nhận ra nông nghiệp ngày nay đã đổi mới với hàng loạt mô hình công nghệ cao và sức sáng tạo từ chính người nông dân.

Thời đại bùng nổ của Internet khiến những câu chuyện người trẻ đi tìm hiểu và khai phá nông nghiệp sạch, hữu cơ được lan tỏa đi xa. Niềm đam mê với nông nghiệp và góc nhìn nhạy bén giúp họ tìm ra con đường đi cho nông sản địa phương.

Hoàng Nguyên

Chia sẻ bài viết qua email