Bệnh tiểu đường không được kiểm soát, đường huyết cao kéo dài có thể gây tổn hại đến dây thần kinh, mạch máu, mô và các cơ quan trong cơ thể. Theo Bệnh viện Shri Maharaja Hari Singh (Ấn Độ), gan là một trong những cơ quan dễ bị tổn thương bởi tác động này nhất. Theo thời gian, tổn thương gan có thể làm giảm khả năng lọc chất độc khỏi máu hoặc duy trì đường huyết khỏe mạnh, dẫn đến bệnh gan mạn tính. Bệnh gan mạn tính cũng đóng vai trò trong sự phát triển của tiểu đường type 2.
Nghiên cứu của Bệnh viện Rhode Island (Mỹ) cũng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh tiểu đường và bệnh gan. Tiểu đường có thể gây sẹo gan tiến triển dẫn đến xơ gan. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh gan, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng dẫn đến suy gan đe dọa tính mạng hoặc ung thư gan. Ngược lại, mắc bệnh gan có thể góp phần khởi phát bệnh tiểu đường. Nghiên cứu khác của Đại học Autónoma de Nuevo León (Mexico) phát hiện ra rằng, 30-40% người bị xơ gan có thể mắc bệnh tiểu đường.
Theo nghiên cứu của Đại học Sultan Qaboos (Oman), tác động của tăng đường huyết khiến gan dễ bị tổn thương một phần vì cơ quan này dự trữ và sản xuất glucose theo nhu cầu của cơ thể. Bình thường, quá trình chuyển hóa đường trong máu sẽ tạo ra các gốc tự do gây độc hại cho cơ thể và chất chống oxy hóa sẽ kiểm soát các gốc tự do này. Khi lượng đường trong máu cao, các gốc tự do vượt quá mức chống oxy hóa và bắt đầu gây tổn hại cho các tế bào gọi là căng thẳng oxy hóa. Căng thẳng oxy hóa gây ra tình trạng viêm, theo thời gian viêm gây ra những thay đổi và tổn thương cho gan.
Tổn thương gan do đái tháo đường tiến triển có thể gồm: gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc do rượu, xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan và suy gan cấp tính. Tình trạng này có thể dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị ngay. Một số người mắc bệnh gan do tiểu đường có thể chỉ tiến triển đến một giai đoạn nhất định và không tiến triển thêm, nhưng cũng có trường hợp tiến triển đến giai đoạn cuối. Người tiểu đường kiểm soát kém hoặc không được điều trị có nguy cơ tiến triển cao nhất.
Theo Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ, bệnh gan mạn tính có thể dẫn đến bệnh tiểu đường do gây ra tình trạng kháng insulin. Tổn thương khiến các tế bào trong gan không phản ứng tốt với insulin và ít có khả năng hấp thụ glucose như bình thường. Kết quả làm lượng đường trong máu cao liên tục và kéo dài, cuối cùng dẫn đến tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2. Bệnh tiểu đường do suy giảm chức năng gan gọi là tiểu đường gan.
Các yếu có liên quan đến sự tiến triển của cả hai bệnh như trên 45 tuổi, béo phì, hút thuốc, uống rượu, lười vận động, tiền sử gia đình mắc tiểu đường, viêm gan B hoặc C. Ăn uống cân bằng và lành mạnh, bỏ thuốc lá, tránh uống rượu, tăng cường tập thể dục, dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ... có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài không chỉ liên quan đến gan mà cả tim và thận.
Mai Cat (Theo Very Well Health)