Tiêu chảy là tình trạng đặc trưng bởi tình trạng đi tiêu phân lỏng hoặc nước. Các triệu chứng gồm đi vệ sinh thường xuyên, đau bụng, đầy hơi và mất kiểm soát ruột với hai dạng cấp tính và mạn tính. Tiêu chảy cấp tính thường do ngộ độc thực phẩm, cúm dạ dày, dùng thuốc, có thể khỏi sau một hoặc vài ngày.
Tiêu chảy mạn tính sau khi ăn có thể là triệu chứng của một số bệnh dưới đây.
Không dung nạp thực phẩm
Không dung nạp thực phẩm khiến đường ruột trở nên nhạy cảm, dẫn đến triệu chứng khó chịu như nôn mửa, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và đau đầu trong vòng vài tiếng sau khi ăn. Trong đó, chứng không dung nạp lactose rất phổ biến. Nguyên nhân do cơ thể không có đủ enzyme cần thiết để phân hủy đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa, từ đó gây tiêu chảy.
Tương tự, người nhạy cảm với gluten cũng có thể tiêu chảy và gặp các vấn đề tiêu hóa khác sau khi ăn bánh mì hoặc các sản phẩm có chứa gluten khác.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là bệnh rối loạn tiêu hóa phổ biến. Triệu chứng thường gặp gồm đầy hơi, chuột rút, táo bón hoặc tiêu chảy. Nguyên nhân do thực phẩm, căng thẳng và các yếu tố liên quan đến nội tiết tố. Để giảm đau và ngăn bệnh tái phát, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống, dùng thuốc, kiểm soát căng thẳng.
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm mạn tính, trong đó có các phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch gây viêm và loét ở lớp lót bên trong ruột già. Triệu chứng gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy; dễ bùng phát do thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
Người bệnh cần ăn uống cân bằng, dùng thuốc theo chỉ định. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phẫu thuật để điều trị viêm loét đại tràng hoặc biến chứng.
Các vấn đề về túi mật hoặc tuyến tụy
Người có vấn đề về túi mật hay từng cắt bỏ túi mật cũng có nguy cơ tiêu chảy hoặc bệnh đường ruột. Theo Mayo Clinic, tình trạng này do axit mật thừa trong đại tràng, dẫn đến sản xuất axit mật thứ cấp và làm tăng bài tiết chất lỏng, dẫn đến tiêu chảy.
Người bị suy tuyến tụy không thể sản xuất hoặc tiết ra đủ các enzym tiêu hóa để phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng. Lúc này thức ăn không tiêu hóa được trong ruột, gây đau ruột, đầy hơi và tiêu chảy.
Rối loạn nội tiết
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình cánh cung, tạo ra các hormone giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Nếu tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít gây bệnh tuyến giáp và dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy mạn tính sau khi ăn, lo lắng, mệt mỏi, yếu cơ, nhịp tim không đều, bướu cổ, giảm cân...
Hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping (dạ dày rỗng) xảy ra khi thức ăn di chuyển từ dạ dày đến ruột non và các cơ quan của hệ tiêu hóa quá nhanh; dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi sau bữa ăn. Tình trạng này thường xảy ra ở người cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Người mắc hội chứng Dumping nên chia nhỏ các bữa ăn, tránh uống nước trước và sau khi dùng bữa, nhai kỹ, hạn chế các món nhiều đường và tăng cường chất xơ, vitamin, canxi và sắt để cải thiện triệu chứng.
Người bệnh nên đến viện khi tiêu chảy kéo dài hơn 2-3 ngày kèm đau bụng, buồn nôn, có máu trong phân, khô họng, chóng mặt, bỏ ăn hoặc sốt trên 38 độ C.
Huyền My (Theo Livestrong, Health.com)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |