(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nhà tôi sử dụng nhiều đồ điện, trong đó có 5 cái điều hòa. Cái dành cho cha tôi mở 24/24 ở nhiệt độ 27 độ C. Mỗi tháng chúng tôi trả từ 5,2 đến 5,7 triệu đồng tiền điện. Tôi nghĩ mình xài nhiều đồ điện như vậy, trả nhiều tiền cũng là hợp lý.
Nhà xây dựng đã hơn 30 năm, sửa đi sửa lại lắt nhắt năm nào cũng có. Mệt mỏi vì năm sau sửa nhiều tiền hơn năm trước, chúng tôi quyết định đập bỏ nhà cũ xây lại nhà mới. Trong thời gian xây nhà, chúng tôi dời lên chung cư cao cấp ở tạm mấy tháng (căn hộ này chúng tôi mua để cho thuê, tầng 24, diện tích 87 m2). Cũng những đồ điện đó nhưng chúng tôi chỉ phải trả xấp xỉ 2 triệu tiền điện khi lên chung cư, chênh lệch gần 4 triệu đồng.
>> Hai cách phát hiện bị ăn gian tiền điện
Nhà mới xây xong, chúng tôi dọn về. Tiền điện hàng tháng dao động từ 2,8 đến 3,2 triệu, cao hơn chung cư một triệu đồng, nhưng thấp hơn trước khi xây nhà 2 triệu đồng.
Hộ gia đình đã thế, doanh nghiệp nơi tôi làm việc thì sao? Phòng hành chính nói chênh lệch tiền điện hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là bình thường. "Qua sông thì phải lụy đò", chẳng ai dám nói gì. Báo bên điện lực cho người đến sửa nhưng có xem sửa xong thì kết quả vẫn vậy, thậm chí còn tệ hơn trước khi sửa, sự cố xảy ra liên tục.
>> Lắp thêm công tơ phụ để kiểm tra tiền điện
Chục năm trước, tình trạng cắt cúp điện xảy ra liên tục. Điện lực kêu than nào là giá nhiên liệu cao, trong khi 60% công suất nguồn là thủy điện. Nào là thu không đủ bù chi, trong khi giá điện sinh hoạt cao gấp 2–3 lần giá điện sản xuất. Nào là công suất nguồn không đủ, trong khi chuyên gia nước ngoài nói Việt Nam dư công suất điện.
Đến khi ngành dầu khí nhảy vào đòi bao tiêu 13 dự án nhiệt điện để ngành điện tập trung làm thủy điện. Thanh tra Chính phủ vào cuộc, điện không còn bị cắt cúp nữa. Rồi bây giờ lại xảy ra chuyện giá điện.
Ở nhiều nước, Nhà nước chỉ sở hữu hệ thống truyền tải điện (các cột điện và đường dây cao thế dọc theo quốc lộ). Còn nguồn phát và mạng tiêu thụ hạ thế do tư nhân đầu tư kinh doanh (kinh doanh cũng gần gần như kinh doanh internet, truyền hình cáp).
Có người nói, tư nhân kinh doanh điện thì vùng sâu vùng xa sẽ không có điện xài vì không có lãi. Nhưng thực tế vùng sâu vùng xa có điện hay không phụ thuộc vào hệ thống truyền tải cao thế của Nhà nước có vươn tới đó hay không, không liên quan gì đến tư nhân. Bây giờ, vùng sâu vùng xa chỗ nào cũng nhà cửa chi chít hết, xây mạng lưới hạ thế lên kinh doanh luôn chắc chắn có lãi, chỉ là nhiều hay ít do thu nhập ở đó cao hay thấp thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm