Xung quanh câu chuyện "Tiền điện tăng vọt - khách hàng làm sao giám sát?", độc giả Kim Thanh bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của việc ghi số điện hàng tháng:
"Nhà tôi mới thay đồng hồ điện tử, tiền điện tăng thêm 50% trong khi chỉ sử dụng điện vào buổi tối, nhiều hơn tiền điện tháng cách ly sử dụng cả ngày. Tôi coi đồng hồ nhưng không thể nào kiểm tra được vì đồng hồ cứ nhảy số liên tục không biết số nào là lượng điện mình sử dụng, không biết số nào là thời gian? Có hay không việc điều chỉnh số điện sử dụng từ nhà cung cấp điện và người dân cũng không thể kiểm soát khi dùng đồng hồ điện tử do điện lực cấp?".
Nói về những nghi hoặc này, bạn đọc Thanh Y lại cho rằng, không khó để các gia đình tự giám sát chỉ số công tơ điện:
"Chỗ tôi ghi chỉ số công tơ vẫn là thủ công. Ngày 19 hàng tháng là ghi chỉ số. Công tơ lại treo đầu cột. Như vậy, nếu không có công tơ phụ trong nhà thì bạn có thể ra đầu cột xem, nếu treo cao thì làm cái gậy tự sướng chụp ảnh cũng được. Có thể xem trước chỉ số chênh lệch 1-2 ngày không sao, chủ yếu để so sánh.
>> Ghi sai 148 triệu đồng làm dấy lên nghi ngờ tiền điện
Với cách tính điện tự động theo giờ thấp điểm, giờ cao điểm bằng công tơ điện tử thì khó tính toán số tiền nhưng có thể kiểm soát lượng điện tiêu thụ hàng tháng bằng cách lắp thêm đồng hồ đo tại nhà. Nhà tôi lắp mấy năm nay rồi. Chưa thấy tháng nào có sự khác biệt quá lớn cả. Chênh lệch một chút thôi. Vậy nên mỗi nhà tự lắp thêm công tơ mà theo dõi sẽ biết ngay. Hoặc có thể tự ghi chỉ số công tơ tại cột cũng được.
Một việc hết sức đơn giản như vậy mà nhiều người cứ kêu ca này nọ, tiền vẫn phải đóng trong khi không biết nhà mình dùng đúng như vậy hay không? Nếu muốn theo dõi hàng ngày, hàng giờ cũng không khó. Lắp một cái công tơ phụ và thêm một cái camera IP giám sát qua wifi soi vào công tơ. Đi đâu cũng nhìn được".
>> Tôi không tin tiền điện tăng 4 lần vì nắng nóng
Giải thích về nguyên nhân nhiều người dân phản ứng khi thấy tiền điện tăng vọt, độc giả Mai Quan Hoang lý giải:
"Tôi thấy vẫn thế, kể cả gia đình và chỗ làm. Có thể trong Nam thời tiết ổn định hơn. Thực ra, tôi cũng không biết bên điện lực có sai không? Nhưng nhiều người hay nhầm chỗ thời gian dùng điện. Mà không hiểu rằng máy lạnh và tủ lạnh, nếu ở điều kiện mát thì máy lạnh đủ độ lạnh sẽ tự ngắt điện. Còn nếu nóng thì máy lạnh chạy liên tục, không thể ngắt. Điện sẽ tăng ở chỗ này. Tủ lạnh mở nhiều cũng tương tự máy lạnh".
Cũng cho rằng người dân nên tập quen dần việc dùng điện nhiều phải trả tiền nhiều thay vì tìm cách đổ lỗi, bạn đọc Chinga Nguyen nhấn mạnh:
"Thứ nhất, thang bậc giá điện không phải căn cứ vào giá mua đầu vào mà mục đích là hỗ trợ người dân nghèo khó khăn sử dụng điện thấp. Vấn đề là thang này cần phải được điều chỉnh cho phù hợp từng thời kỳ thôi.
Thứ hai, nếu có nhu cầu theo dõi tiêu thụ điện hàng giờ hàng phút, không ai cấm bạn lắp thêm đồng hồ cho riêng mình. Thậm chí, bạn có thể thuê kiểm định đồng hồ này để đối chứng và làm bằng chứng khi có tranh chấp.
Việc tự ý dịch chuyển chỉ số tiêu thụ không đề dễ dàng. Đừng vội suy đoan chủ quan và nặng lời kết luận khi chưa có bằng chứng. Ngay cả các vị GS Đại học Kỹ thuật cũng đã công nhận và lý giải thêm về việc này. EVN không dễ qua mặt được đâu. Và chúng ta nên tập dần việc dùng (điện) nhiều thì phải trả nhiều thôi. Chắc chắn nhu cầu cơ bản của từng người đã thay đổi rất xa rồi: máy lạnh, quạt điện đã thay cho quạt giấy, quạt nan rồi, nên chi phí cho nhu cầu cũng phải tăng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.
Lê Phạm tổng hợp