Hoá đơn điện tháng 6 của nhiều hộ gia đình miền Bắc tăng đột biến gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần tháng trước, dù đã được "hỗ trợ vì Covid-19". Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho rằng tiền điện nhảy vọt do nắng nóng kéo dài.
Thông tin này đang gây tranh luận gay gắt trên VnExpress. Nhiều độc giả cho rằng, nguyên nhân tăng tiền điện vì nắng nóng không thuyết phục:
Thật là vô lý, tháng nóng thì người tiêu dùng cũng biết sử dụng điện năng như thế nào để tiết kiệm. Nếu có tăng thì họ cũng phải dè chừng, đâu có thể mà tăng gấp 4-5 lần như vậy. Vì người dân đã tính toán số tiền hợp lý chi trả hàng tháng.
Cứ mỗi lần tăng gấp bốn, gấp năm lần, thì điện lực lại đổ thừa là do tháng nóng. Không ai dại mà sử dụng nhiều như vậy, nên coi lại nhân viên ghi số điện, và đồng hồ như thế nào?
Nói giá điện tăng là do nắng nóng thì thật vô lý. Vì ban ngày mọi người đi làm hết, chỉ có ở nhà vào buổi tối. Mức sử dụng điện gần như là như nhau giữa các tháng mà sao chỉ số lại tăng vọt như vậy? Có lẽ nào cứ vin vào mùa nóng là chỉ số điện lại tăng bất thường như vậy? Thật không hiểu nổi.
Vì nắng nóng nên nhà tôi không dùng máy lạnh, sợ sốc nhiệt. Vậy mà nhà tôi điện vẫn lên vèo vèo. Mình tôi quản thiết bị điện chứ không còn ai khác. Điện tăng cứ như nhà có thêm người xài ké vậy.
Tôi ở trong miền Nam, hóa đơn điện cũng gấp rưỡi tháng trước trong khi tháng này nhà chỉ có một mình tôi ở. Hôm qua xem hóa đơn tôi đã nghĩ công tơ điện ở nhà có vấn đề, nhưng sau đó đọc báo lại thấy trùng hợp là các gia đình khác cũng bị như vậy. Liên hệ EVN thì không bao giờ nhận được câu trả lời. Họ cứ giải thích do nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điều hòa tăng, nhưng nhà tôi làm gì có điều hòa mà mở.
>> 'Văn phòng nghỉ nửa tháng 3, tiền điện vẫn tăng 25%'
Bên tôi kinh doanh thực phẩm. Mùa cao điểm, hai kho lạnh hoạt động hết công suất, đóng mở liên tục, tiền điện 25 triệu đồng. Sang mùa dịch, tắt một kho, chỉ chạy một kho, hầu như một tuần mở ra 1-2 lần kiểm tra nhưng cuối tháng vẫn 28 triệu tiền điện (đã trừ hỗ trợ). Vậy EVN giải thích thế nào? Chẳng lẽ nóng quá nên đồng loạt đồng hồ điện cả nước hỏng cùng nhau sao?
Tôi trong TP HCM cũng vậy, tháng trước còn có người ở nhà cả ngày (mở điều hòa ngủ trưa), tháng này không có người nào ở nhà ban ngày, nhưng tiền điện vẫn vậy. Báo lên điện lực, họ nói do trời nắng nóng. Vấn đề ở đây là buổi tối nhà tôi chỉ mở điều hòa ba tiếng rồi tắt (vì có con nhỏ), cho dù trời mưa hay nắng nóng cũng mở ngần ấy thời gian điều hòa, vậy mà tiền điện vẫn giống tháng trước khi có người ở nhà nguyên ngày và mở điều hòa liên tục. Điện chỉ có tăng chứ không được giảm cho dù sử dụng ít hơn. Một câu giải thích nghe mãi và thuộc lòng của EVN là do thời tiết năng nóng cho dù TP HCM đang vào mùa mưa.
Lúc nào cũng kêu là do nắng nóng, dùng điều hòa nhiều. Nhà tôi tháng 4 (kỳ tính tháng 5) làm ở nhà, dùng máy tính, quạt liên tục, trong khi tháng 5-6 đi làm suốt ngày, mà điện tăng cao hơn nhiều. Mang tiếng được giảm 69 nghìn đồng nhưng tiền chênh chắc cũng ngót nghét mấy trăm nghìn.
Đúng là nhiệt độ bên ngoài ảnh hưởng rất nhiều đến công suất và hiệu năng làm việc của điều hòa. Ví dụ như nhiệt độ bên ngoài không cao, khoảng hơn 30 độ thì điều hòa chỉ cần vận hành khoảng 50% công suất là đủ duy trì nhiệt độ 26 độ C trong phòng, nhưng nếu nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ thì điều hòa phải vận hành 100% công suất. Nhưng tăng gấp bốn lần thì cũng hơi kỳ lạ, cần kiểm tra lại cách thức ghi số công tơ điện.
>> Hóa đơn tiền điện tháng 6 của bạn có tăng cao bất thường? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.