Trước những trai cãi trái chiều liên quan đến việc tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt, không ít độc giả VnExpress chia sẻ giải pháp lắp thêm công tơ phụ trong nhà để đối chiếu số liệu:
Sao rất nhiều người ý kiến vụ tiền điện, nhưng không ai thử kiểm tra nhỉ? Chỉ cần lắp thêm một công tơ mà mình thấy tin tưởng, rồi ghi hình so sánh với công tơ của điện lực là sẽ có kết quả mà. Chỉ cần cho phép một sai số nào đó (tầm 1%), còn sai nhiều thì tức là một trong hai cái có vấn đề. Nếu tập hợp được nhiều người tham gia bài test thì sẽ ra vấn đề thôi.
Mỗi nhà nên lắp một công tơ điện tại tủ điện nhà mình để tiện kiểm tra. Giá một công tơ điện tử một pha chỉ khoảng 480.000 đồng. Như vậy là không còn phải thắc mắc. Có sai số ít thì cho qua, sai số nhiều thì làm đơn lên Sở điện lực tỉnh hoặc thành phố khiếu nại. Nhà tôi cũng đang làm theo cách này để xem tiền điện còn lên xuống phập phồng như ngọn đèn dầu trước gió nữa không?
Theo ý kiến của tôi, ngoài công tơ điện kế của điện lực, mỗi nhà phải gắn thêm một công tơ riêng, sau đó chốt ngày để so sánh xem hai chỉ số này có chênh lệch nhau hay không.? Chứ năm nào tới mấy tháng này cũng tăng phi mã mà giải thích kiểu gì cũng không thỏa đáng.
Cách tốt nhất là mua thêm một công tơ điện nữa lắp ngay đầu vào của nguồn điện ở phía trong nhà. Cứ đúng ngày ghi công tơ thì cũng chụp lại ảnh chỉ số công tơ trong nhà, lấy trừ đi chỉ số tháng trước thì sẽ rõ ngay việc ghi chỉ số ngoài cột điện có chính xác không?
Ngoài ra, không loại trừ khả năng nữa là trời quá nóng khiến công tơ để trong thùng sắt treo ngoài cột điện bị quá nhiệt dẫn đến chỉ số bị quay nhanh hơn bình thường, nên cần có đơn vị kiểm định thử cho công tơ hoạt động trong môi trường 70-80 độ C để xem nó vận hành thế nào?
>> Thời gian sử dụng không quyết định tiền điện ít hay nhiều
Theo tôi, vấn đề giám sát tiền điện gia đình, nên để mỗi hộ tự lắp thêm công tơ điện để so sánh chỉ số công tơ mà ngành điện có tại đầu cột. Nếu có sự chênh lệch lớn thì bên gia đình dùng điện sẽ yêu cầu ngành điện xem xét lại công tơ mà họ đã lắp tại đầu cột.
Việc ghi số điện vẫn còn nhiều bất cập, người dùng điện không biết kiểm tra như thế nào? Tôi đề nghị công ty điện lực lắp thêm cho người dùng một công tơ ngay trong nhà hay ngoài cửa và thông báo cho người dùng điện hàng tháng ghi số điện vào ngày nào để chúng tôi tự kiểm tra được. Chứ người dùng không thể tự leo lên cột điện để đọc số điện được (chi phí lắp thêm công tơ có thể do người dùng chi trả). Hoặc nếu ai có nhu cầu thì lắp cho người ta.
Tôi nghĩ mọi người nên có một công tơ cơ riêng để lắp trong nhà, kiểm tra đối chiếu với công tơ điện tử. Và thêm một điều nữa là đề nghị ngành điện lực phải công khai, gửi tin nhắn thông báo trước thời gian lấy chỉ số điện để nhân dân tiện theo dõi.
Giải pháp lắp hai công tơ: một dành cho phía điện lực, một dành cho người dân để giám sát trực tiếp. Cả hai công tơ là loại giống nhau và đều được kiểm định và niêm phong kẹp chì.
- Đi kèm là cơ chế phạt dành cho hai phía: phía điện lực gian lận cũng bị phạt và phía người dân gian lận cũng bị phạt.
- Hình thức phạt với phía điện lực thì truy cứu trách nhiệm theo đúng người đúng tội, cho ra khỏi ngành với cá nhân sai phạm, nhiều lần vi phạm của một đơn vị thì thay người lãnh đạo đơn vị đó.
- Hình thức phạt với người dân là bù lại số điện gian lận, cắt điện một tuần và ghi trên bảng tin loa phường.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.