Thời gian gần đây, liên tiếp các trường hợp người dân phát hiện bị ghi sai tiền điện lên tới gần 148 triệu đồng. Cụ thể, do ghi sai chỉ số công tơ khiến tiền điện tháng 6 của một khách hàng ở Quảng Bình lên hơn 58 triệu đồng, trong khi hộ khác tại Quảng Ninh gần 90 triệu đồng. Những sự việc trên làm dấy lên những nghi ngờ của người dân đến tính minh bạch của hoạt động ghi số điện của EVN.
Nói về điều này, độc giả Hoàng Phong nêu lên thực trạng chi trả tiền điện của đại bộ phận người Việt: "Thông thường hóa đơn tháng trước với tháng sau chênh nhau tiền triệu thì khách hàng mới thắc mắc. Còn chênh lệch từ vài chục đến vài trăm nghìn chắc chẳng có ai thắc mắc. Thử tính xem mỗi hóa đơn mà nhầm lẫn chỉ với con số vài chục nghìn đồng thôi nhưng nhân lên hàng triệu hóa đơn thì sẽ thế nào, ai kiểm soát?".
Cùng chung nỗi hoài nghi, bạn đọc Black Eye nhận định: "Số tiền chênh lệch quá lớn thì có thể được rà soát lại, vậy số tiền nhỏ thì sao? Gia đình tôi tháng nào cũng như tháng đó, nhưng tự nhiên tháng 6 này lại đội hẳn lên hơn 500 nghìn mặc dù lịch sinh hoạt và làm việc vẫn như cũ. Thiết nghĩ, nên có một đơn vị thứ ba giám sát việc này hoặc nên có nhiều đơn vị kinh doanh ngành điện này".
>> Tiền điện tăng vọt - khách hàng làm sao giám sát?
"Sai sót này quá lớn dễ nhận ra, nhưng có vài sai sót nhỏ khó nhận ra. Một loại sai sót dễ xảy ra khi áp dụng chế độ giá bậc thang là "chuyển bậc thang" để lạm thu. Ví dụ, một cách để chuyển bậc thang trong trường hợp ghi hóa đơn tiền điện là tháng nào dài 31 ngày và nắng nóng thì có thể ghi điện trễ để tính thêm lượng tiêu thụ của tháng sau (phải cài lại giá bậc thang thấp nhất) vào cuối tháng này (để áp vào giá bậc thang rất cao hơn). Kết quả là tổng cộng cả hai tháng tuy tổng số kWh điện tiêu thụ không đổi nhưng nhà cung cấp sẽ thu được nhiều tiền hơn", độc giả Phong Vu nhấn mạnh.
Chia sẻ giải pháp đảm bảo minh bạch trong hoạt động ghi số điện, bạn đọc Nguyen Dinh bày tỏ quan điểm:
"Theo tôi là do đo công tơ không đều trong tháng. Tức là tháng trước đó ghi thấp hơn chỉ số thực tế cộng với tháng này nhu cầu dùng điện tăng cao. Có thể ghi tăng số điện tháng này và giảm dần về các tháng sau để tổng số điện bằng chỉ số thực tế. Giải quyết vấn đề này, yêu cầu ngành điện phải thông báo tới từng khu vực, từng khách hàng ngày chốt công tơ điện. Ví dụ là ngày 15 thì tháng sau cũng phải ngày 15, trừ trường hợp mưa bão, chập cháy, lễ Tết. Trường hợp ghi chậm thì phải trừ số tiền mà người dân phải nộp thêm do giá điện bậc cao. Ngay sau ngày chốt công tơ điện, phải thông báo chỉ số công tơ điện qua tin nhắn điện thoại tới khách hàng. Người sử dụng có thể xem trực tiếp chỉ số công tơ điện trên đồng hồ đo vào sau ngày chốt công tơ, chụp ảnh chỉ số để đối chứng".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.