Tiếp tục câu chuyện "tiền điện tháng 4 tăng cao bất thường", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ băn khoăn khi gặp tình trạng tương tự:
Tôi ở quận 3, có mua nhà tại Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An từ tháng 12/2018 đến trước tháng 3/2020, số điện tiêu thụ hàng tháng chỉ để duy trì modem wifi và camera, ngoài ra không hề có tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt hay thiết bị điện khác. Nhưng tháng 3/2020 tiền điện tăng gấp hai lần so với bình thường (khoảng hơn 40 nghìn đồng thay vì 18-20 nghìn đồng như trước kia). Vì số tiền nhỏ nên tôi cũng không quan tâm, nhưng đến tháng 4/2020 giá điện báo về là 100 nghìn đồng, tăng gấp năm lần so với bình thường. EVN nói do cách ly, nắng nóng nên tiêu thụ điện tăng, nhưng thực tế nhà tôi bỏ trống, không ai ở và sử dụng thì tăng thế nào được?
Trịnh Xuân Phát
Nhà tôi là hộ gia đình nhỏ, hai vợ chồng và hai còn nhỏ. Bình thường, nhà tôi xài điện nhiều nhất cũng chỉ 1,3 triệu đồng/ tháng. Vậy mà tháng 4 này, tôi nhận được hóa đơn tiền điện gần 1,9 triệu đồng. Tăng gần 600 nghìn đồng. Tháng này tôi có ở nhà nhiều hơn, nhưng những thiết bị điện trong nhà thì vẫn vậy, không có thêm thiết bị nào mới, máy lạnh chỉ xài buổi tối, tôi cũng ý thức tiết kiệm điện nên những gì không thật cần thiết là không xài. Vậy mà không hiểu sao hóa đơn tháng này tăng bất thường?
Có người nói xem lại đồng hồ điện, nhưng thật sự từ khi bên điện lực thay đồng hồ điện tử, tôi cũng chẳng để ý và cũng không biết xem như thế nào? Mặt khác, vì tháng nào tôi cũng xài tiền điện khoảng 1,3 triệu đồng đổ lại, giá đó là hợp lý nên tôi cũng không quan tâm. Tôi thấy rất nhiều người cũng bị tăng 40-50% tiền điện trong hóa đơn tháng 4 này. Vì vậy, tôi và những người cùng cảnh ngộ mong bên điện lực giải thích và làm sáng tỏ để chúng tôi khỏi bức xúc.
Đào thanh kha
Cửa hàng nhà tôi chỉ có vợ và con ở đó. Từ ngày có chỉ thỉ của Thủ tướng, vợ con tôi về quê tránh dịch, tắt hết thiết bị điều hòa và chỉ hoạt động hai cục phát wifi, một tủ lạnh, chỉ mở đèn từ 17h đến 23h. Vậy vì sao điện vẫn tăng so với tháng trước hơn 75kw? Đáng lẽ ra phải giảm vì tôi đã ngưng hoạt động điều hòa và các thiết bị chiếu sáng khác.
Phan minh khánh
>> 'Văn phòng nghỉ nửa tháng 3, tiền điện vẫn tăng 25%'
Mùa dịch, theo lời hướng dẫn, tôi mở cửa sổ và hạn chế tối đa việc sử dụng máy điều hoà vì virus sẽ khó tồn tại ở nhiệt độ trên 28 độ C. Gia đình tôi hạn chế tối đa việc sử dụng máy điều hoà nhưng tiền điện lại tăng 37%, cao nhất từ trước tới giờ.
Hoàng Thuỳ Dung
Nhà tôi sử dụng bình thường, tiền điện tầm 900 nghìn đến 1,2 triệu đồng, đỉnh điểm cao nhất là những tháng sinh em bé hết tầm 1,5 triệu đồng. Không hiểu sao tháng rồi tiền điện lên gần 2 triệu đồng. Nhìn vào con số mà hoa cả mắt, vợ chồng nhìn nhau ngơ ngác. Trong khi gia đình tôi hạn chế sử dụng điện rất nhiều, như giảm một phòng máy lạnh, hoàn toàn không dùng đến, giảm nấu nước pha trà, bình nóng lạnh và vài bóng điện đã được thay thế sử dụng bằng máy năng lượng mặt trời.
Xuân Trần
Thật khó hiểu khi so sánh với các hóa đơn kể từ tháng 10/2019. Khi ấy là mùa đông, sử dụng điều hòa, đèn sưởi nhiều mà hóa đơn của nhà tôi cũng chỉ chưa đến 400 nghìn đồng. Vậy mà tháng này nhà tôi không dùng đến điều hòa, chỉ sử dụng sinh hoạt tất yếu như bình thường vậy mà hóa đơn tháng này gần 500 nghìn đồng, tức tăng 20%. Liệu có gì nhầm lẫn không?
Đỗ ngọc hung
>> 'Giảm 10% tiền điện vì Covid-19 là quá ít'
Lý giải về hiện tượng này, độc giả Phùng Đức Hải cho rằng:
Tháng trước là tháng 3, tiền điện sẽ được tính 29 ngày từ ngày ghi chỉ số (ví dụ 5/2 đến 4/3). Tháng này thường sẽ dùng ít điện (10/1) âm lịch. Đến kỳ hoá đơn tháng 4 sẽ tính 31 ngày từ 5/3 đến 4/4. Thời điểm này, trẻ con ở nhà nghỉ học cả ngày, thời tiết nóng hơn nên điện sẽ tăng cao hơn. Khi tăng khoảng hai ngày, cộng thêm điều kiện thời tiết, sản lượng điện có thể tăng khoảng 30%. Con số này ở bậc cuối nên tiền điện tăng 50% so với tháng 3 cũng là bình thường.
Trong khi đó, bạn đọc Dinh Hoang Nguyen lại nhìn nhận nguyên nhân vấn đề ở một khía cạnh khác:
Nếu thực sự nhà các bạn cắt giảm các thiết bị sử dụng điện mà số tiền điện vẫn tăng thì có thể xảy ra hai nguyên nhân: Thứ nhất, tháng trước công ty điện chốt số ngày 31, tháng này lại chốt số ngày 3, như vậy là 33 ngày nên tổng số điện sẽ tăng hơn so với tháng trước, cộng với việc càng nhiều số thì mức giá càng cao. Do đó, tổng số tiền phải trả sẽ cao hơn những tháng trước; Thứ hai, có thể nhân viên công ty điện lực chốt số nhầm làm tăng số của tháng này và với cách tính tiền điện theo từng mức thì số tiền sẽ cao hơn tháng trước.
Đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng này, độc giả Hoàng Việt nên quan điểm:
Trước đây, EVN ghi số điện bằng phương pháp thủ công, người dân vẫn có thể theo dõi lúc ghi số điện và để so sánh mức tiêu thụ và lịch ghi số hàng tháng. Đến nay, việc ghi số điện đã được thay thế bằng các công tơ điện tử và tự động thông báo về trung tâm quản lý. Việc chốt số liệu hàng tháng chỉ cần chênh lệch vài ngày giữa các tháng sẽ gây nên phát sinh số điện và sẽ phải chịu mức giá chênh lệch luỹ tiến. Để đảm bảo việc này khách quan, đề nghị thực hiện những phần mềm quản lý trên các thiết bị như máy tính hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đảm bảo người dân biết được lịch chốt số điện tiêu thụ hàng tháng, và cũng có thể theo dõi thường xuyên mức tiêu thụ của gia đình mình bất cứ lúc nào. Điều đó sẽ mang lại tính khách quan và đảm bảo điều tiết lượng điện tiêu thụ sao cho phù hợp nhất. Tránh hiện tượng gian lận trong quản lý.
>> Hóa đơn tiền điện tháng 4 của bạn có tăng cao bất thường? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.