Xung quanh câu chuyện "Hoãn sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang vì Covid-19", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ hiện tượng hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng vừa qua:
Trong 8 tháng gần đây, tháng nào nhà tôi cũng dùng điện rất đều từ 468-505 nghìn đồng. Trong khi tháng 4 vừa qua tiền điện tăng lên 652 nghìn đồng dù điện xài vẫn vậy (những tháng trước còn xài nhiều hơn vì con vẫn ở nhà tránh dịch). Tôi đi hỏi khoảng 20 nhà thì họ nói nhà nào cũng tăng. Có nhà bình thường một tháng xài hết hơn 350 nghìn đồng tiền điện thì tháng 4 vừa qua, dù ít người sử dụng điện nhưng lại tăng đến 620 nghìn đồng.
Nhà tôi cũng vậy. Từ 14/3 đến 14/4, Hà Nội hoàn toàn mát mẻ, không dùng đến quạt, chứ đừng nói điều hòa, buổi trưa và buổi đêm ngủ vẫn đắp chăn. Nhà tôi bình thường có hai người, nhưng từ cuối tháng 3, mẹ tôi đi sang chăm bà ốm nên điện dùng ít đi rất nhiều. Nhà tôi không có trẻ con. Công việc của tôi trước giờ là làm việc tại nhà nên nói dịch Covid ở nhà dùng điện nhiều hoàn toàn không đúng. Có thể nói, tháng 4 nhà tôi dùng điện ít hơn hẳn những tháng trước khoảng 30% nhưng không hiểu vì sao lúc thanh toán tiền điện lại tăng 15% so với tháng trước?
Tôi đi làm từ 8h30 đến 20h30 mới về đến nhà. Nghĩa là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày tôi không sử dụng gì ngoài chiếc tủ lạnh chạy quanh năm. Vậy mà cứ đến hè là y rằng giá điện tăng gấp rưỡi.
Tháng 3, tôi ở nhà cả tháng và xài máy lạnh suốt nên tiền điện tăng 70%. Tháng 4 cả chủ yếu xài quạt, ở nhà chỉ nửa tháng nhưng tiền điện chỉ kém tháng 3 có 10%. Ở chung cư mát mẻ nên thỉnh thoảng mới mở máy lạnh, nấu ăn bếp từ, một tủ lạnh khoảng 200 lít, một máy tắm nước nóng 15 lít chỉ mở mỗi ngày hai lần, vậy mà tiền điện trên dưới 1 triệu đồng.
>> 'Văn phòng nghỉ nửa tháng 3, tiền điện vẫn tăng 25%'
Lý giải về hiện tượng này, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân đôi khi có thể đến từ những yếu tố bên ngoài, ít người để ý:
Thứ nhất, vào mùa nóng, sử dụng quạt hay điều hòa thì lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn mùa lạnh, vì nhiệt độ tỏa nhiệt để làm dịu không khí nhiều hơn so với bình thường.
Thứ hai, từ sau 300 kwh trở lên đơn giá điện rất cao, nên chỉ cần tháng trước hơn tháng sau tầm 100 kwh thôi thì giá điện cũng đã gấp đôi rồi. Gấp đôi số tiền không có nghĩa là gấp đôi lượng điện năng sử dụng.
Thứ ba, từ năm ngoái tới nay, EVN chưa tăng giá điện. Đơn giá điện vẫn là đơn giá cũ. Cách tính vẫn là cách tính cũ. Không phải mặc nhiên đến mùa hè lại tăng giá.
Tôi thấy nhiều người than sao giá điện nhiều, sao không xài cũng tăng...? Nếu bạn không xài mà đồng hồ vẫn quay thì liên hệ điện lực để được kiểm tra, đồng thời kiểm tra số kwh chốt tháng trước và kwh chốt tháng này xem có bị sai không? Làm việc thì chắc chắn có sai sót, EVN cũng có thể sẽ sai. Mình là người sử dụng thì phải chú ý đến những vấn đề đó. Còn nếu thấy vẫn chưa hợp lý thì có thể mua một công tơ khác lắp ngay đầu ra để xem số kwh của gia đình bạn và số kwh của EVN cung cấp có chênh lệch nhau hay không?
Điện tiêu thụ nhiều hay ít phụ thuộc vào:
1. Thời gian sử dụng thiết bị.
2. Công suất tiêu thụ của thiết bị đó trong một đơn vị thời gian.
Hãy xem xét:
1. Thời gian sử dụng: Bạn có chắc chắn là bạn dùng ít đi hay không? Hay chỉ là bạn cảm thấy thế? Còn thực tế, tôi thấy có hai lý do để thời gian vừa qua sẽ dùng nhiều hơn: nghỉ dịch ở nhà và thời tiết nóng dần.
2. Công suất sử dụng: Tôi ví dụ điều hòa (là thiết bị tiêu thụ điện nhiều nhất trong mùa nóng), bạn vẫn cài đặt nhiệt độ ở 26 độ C trong vòng 1h. Nhưng khi nhiệt độ ngoài trời là 26 độ thì công suất tiêu thụ sẽ khác khi nhiệt độ ngoài trời là 30 độ.
Điện lực họ vốn không quan tâm bạn dùng gì và làm gì? Họ quan tâm đồng hồ điện nhảy lên số bao nhiêu? Chừng nào đồng hồ báo xài ít mà bạn phải trả tiền nhiều thì lúc có cứ kiện.
Có những lý do khiến các bạn "xài vẫn vậy" nhưng tốn điện hơn:
1. Lỗi thiết bị điện: Điều hòa hết gas, tủ lạnh hư rơ-le nhiệt, bình nước nóng hư phần đốt... nó có thể làm thiết bị của bạn đốt gấp 3 lần điện năng so với bình thường.
2. Thời tiết: Trời nắng nóng làm hiệu suất làm mát của cả tủ lạnh, điều hòa, quạt... phải chạy công suất lớn hơn.
Có rất nhiều thứ làm nhà bạn "đốt" thêm điện và rồi bạn phải đóng thêm tiền. Nếu một tháng bạn dùng hết 100 nghìn tiền điện nhưng tháng này bạn tăng lên gấp đôi thì sẽ rất quan ngại. Còn nếu một tháng bạn dùng hết 1 triệu đồng tiền điện mà tháng này bạn hết gần 2 triệu thì tôi thấy khá bình thường vì mức này biểu giá điện lên quá cao rồi.
Bạn có đồng tình với các quan điểm trên?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.