Trẻ mắc bệnh thủy tinh mạc thường còn tồn tại một ống nhỏ (ống phúc tinh mạc) thông thương giữa ổ bụng, vùng bìu. Nước trong ổ bụng có thể chảy xuống nên bìu bé to lên, sờ căng như bong bóng chứa nước bên trong. Bệnh còn được gọi là tràn dịch màng tinh hoàn.
Bìu có chức năng tiết ra một lượng dịch nhỏ để bôi trơn, bảo vệ tinh hoàn. Khi trẻ còn trong bụng mẹ, tinh hoàn di chuyển từ trên bụng đi qua ống phúc tinh để xuống bìu. Lúc này, dịch nhầy thoát ra ngoài trước khi ống phúc tinh đóng lại. Nếu dịch không thoát hết hoặc ống phúc tinh đóng chưa kín gây tràn dịch màng tinh hoàn ở thai nhi.
Ngày 19/7, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là bệnh lý bẩm sinh, thường không gây đau hay khó chịu cho trẻ, có thể tự khỏi. Bé hai tuổi trở lên vẫn chưa hết dị tật thì cần được phẫu thuật nhằm cột, cắt ống phúc tinh mạc để không còn thông thương giữa bìu và vùng bụng hết thoát dịch ở bìu.
Khi bệnh diễn tiến thành thoát vị bẹn, trẻ cần được phẫu thuật ngay để tránh biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tràn dịch màng tinh hoàn có thể tiến triển thành thoát vị bẹn do lỗ thông lúc này bị yếu, to ra. Lượng dịch tụ lớn, làm giảm lưu lượng máu xuống tinh hoàn, ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh lý, khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai. Điều này làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn, dẫn đến vô sinh.
"Tràn dịch màng tinh hoàn cùng nhóm bệnh ống phúc tinh mạc, triệu chứng giống với thoát vị bẹn nên dễ bị nhầm lẫn", bác sĩ Trọng nói.
Như bé Hưng, 4 tuổi, nhập viện trong tình trạng bìu bên phải sưng to nhưng không đau, sờ căng như bóng nước. Bố bé cho biết từ lúc chào đời bé đã có tình trạng này, thường sưng to hơn vào buổi chiều hay sau khi bé chạy nhảy, vận động mạnh. Bé không đau nên gia đình để bệnh tự khỏi. Đến nay bệnh không giảm, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho bé.
Bác sĩ rạch một đường khoảng 3-5 cm, sau đó hút hết dịch màng tinh hoàn thoát dịch ở bìu. Ca mổ diễn ra thuận lợi trong 30 phút, vết mổ rất nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định, có thể sinh hoạt bình thường, xuất viện ngay trong ngày.
Còn bé Nghĩa, được gia đình phát hiện có khối phồng bẹn phải khi một tuổi. Bác sĩ chẩn đoán tràn dịch tinh hoàn nhưng vì bé còn nhỏ, được chỉ định theo dõi thêm chờ đến khi hai tuổi sẽ phẫu thuật. Hiện bé 28 tháng tuổi.
Một số phụ huynh truyền tai đâm kim vào vùng bìu hay bụng chậu của trẻ để hút dịch. Đây là cách làm rất nguy hiểm, bệnh không khỏi hẳn mà thường xuyên tái diễn, có thể nhiễm trùng, xuất huyết, tụ máu. Bệnh cần được can thiệp ngoại khoa để thắt lại ống phúc tinh mạc.
Bác sĩ Trọng khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến khám sớm nếu có dấu hiệu bất thường vùng bìu, bẹn, đề phòng biến chứng và những bệnh lý mắc kèm.
Đình Lâm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |