Trả lời:
Thuốc lá điện tử (vape, pod) là thiết bị sử dụng pin để làm nóng dung dịch bên trong, tạo thành hơi nước để người dùng hít vào. Dung dịch này thường chứa nicotine, các loại hương liệu tạo mùi vị như trái cây, kẹo, bạc hà và hóa chất phụ gia.
Hiện chưa có bằng chứng chính xác cho thấy thuốc lá điện tử có trực tiếp gây ung thư hay không. Tuy nhiên, nhiều hóa chất trong thuốc lá điện tử có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Trong đó có benzen - chất gây ô nhiễm không khí thường có trong khí thải của các phương tiện giao thông. Formaldehyde là hóa chất gây ung thư có trong keo dán, phụ tùng ô tô và dung dịch ướp xác. Cadmium, chì, niken, thiếc cũng được tìm thấy trong thuốc lá điện tử, có khả năng gây ung thư phổi, thận, tuyến tiền liệt, tuyến tụy... Ngoài các tác nhân gây ung thư, thuốc lá điện tử chứa các hóa chất độc hại gây tổn thương phổi như acrolein (một loại thuốc diệt cỏ), diacetyl, diethylene glycol.
Nhiều người nghĩ thuốc lá điện tử không gây nghiện như thuốc lá truyền thống, nhưng thực tế ngược lại. Một điếu thuốc lá truyền thống thường chứa 8-20 mg nicotine, nhưng cơ thể chỉ hấp thụ 1-2 mg vì một phần nicotine đã bị đốt cháy hoặc lọc bớt qua đầu lọc. Nicotine trong thuốc lá điện tử là dạng lỏng nên có nồng độ mạnh hơn nhiều. Một điếu thuốc lá điện tử 1 ml có nồng độ nicotine tương đương hút cả một gói thuốc lá.
Nicotine làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và gây co mạch, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nó cũng có thể làm tổn thương DNA, tăng nguy cơ hình thành tế bào ung thư. Nicotine trong thuốc lá điện tử còn gây nghiện mạnh, ảnh hưởng đến não bộ nếu sử dụng lâu dài. Phụ nữ mang thai tiếp xúc nicotine làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ở nam giới, nicotine ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, gây vô sinh.
Sử dụng thuốc lá điện tử dù trong thời gian ngắn hay dài đều gây hại cho sức khỏe. Bạn nên tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường của cơ thể. Bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp tầm soát ung thư phổi, kiểm tra huyết áp, cholesterol và siêu âm tim để tầm soát bệnh lý tim mạch, đo chức năng hô hấp. Khi có triệu chứng bất thường như ho kéo dài, khó thở, đau ngực, sút cân không rõ nguyên nhân... bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra chính xác.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Nga
Khoa Ung bướu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |