Điều này có đúng không, nên ăn bao nhiêu đường một ngày? (Lâm Thao, 33 tuổi, Đồng Nai)
Trả lời:
Nhiều người bệnh ung thư lo ngại ăn đường làm tế bào ung thư phát triển nhanh hơn, nên loại bỏ đường và thực phẩm chứa tinh bột trong thực đơn. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm, không những không kiểm soát được khối u mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị.
Đường gồm nhiều loại như đường đơn (glucose, fructose), đường đôi (như saccarose trong đường mía). Sau khi vào cơ thể, đường được chuyển hóa thành các phân tử cung cấp năng lượng gọi là ATP, giúp nuôi các tế bào, kể cả tế bào lành và tế bào ung thư. Các tế bào ung thư phát triển và nhân lên nhanh chóng nên cần nhiều đường hơn so với tế bào lành. Do vậy, nhiều người hiểu lầm đường nuôi tế bào ung thư và cắt giảm đường trong khẩu phần ăn giúp ngăn chúng phát triển.
Tất cả tế bào trong cơ thể đều cần đường để hoạt động, không có cách nào để chỉ cung cấp đường cho tế bào khỏe mạnh mà không cung cấp cho tế bào ung thư. Loại bỏ hoàn toàn đường trong chế độ dinh dưỡng còn cản trở quá trình phục hồi của cơ thể, giảm sức đề kháng, ảnh hưởng tới kết quả điều trị, nhất là người bệnh đang hóa trị, xạ trị.
Hiện chưa có bằng chứng chứng minh chế độ ăn không đường (sugar-free) làm giảm nguy cơ mắc ung thư hoặc tăng khả năng sống còn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường lâu dài dễ dẫn đến béo phì, thừa cân. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nội khoa như tim mạch, đái tháo đường và cả các bệnh lý ung thư như ung thư vú, thực quản, đại tràng...
Như vậy, đường không trực tiếp gây ung thư mà là yếu tố dịch tễ học liên quan tới tăng nguy cơ mắc ung thư. Bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng các nhóm dưỡng chất như carbohydrate, protein, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất thiết yếu để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Thay vì loại bỏ hoàn toàn đường, bạn nên hạn chế đường tinh luyện và thực phẩm chế biến sẵn như nước ngọt, bánh kẹo. Ưu tiên các nguồn tinh bột lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, khoai lang, vì chúng cung cấp năng lượng ổn định, ít có khả năng gây béo phì. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo lượng đường tiêu thụ mỗi ngày ở phụ nữ không quá 6 thìa (25 g) và nam giới không quá 9 thìa (37 g).
Người bệnh nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn ngủ điều độ, tập thể dục thường xuyên để tăng cường lưu thông máu, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tăng cường rau và trái cây có chứa chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng thực vật giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thảo Ngọc
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |