Ông Huỳnh có cảm giác mệt, khó thở, tức ngực bên phải suốt một tháng nay, nghĩ cảm lạnh thông thường. Khi triệu chứng nặng hơn, không thể nằm ngủ vì cảm giác ngực bị bóp nghẹt, ông mới đến viện. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị tràn nhiều khí màng phổi bên phải.
Ngày 31/10, BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết không khí hiện diện bất thường ở khoang màng phổi gây chèn ép phổi, ảnh hưởng đến giãn nở, chức năng trao đổi khí của cơ quan này. Bệnh nhân bị đau tức vùng ngực và khó thở vì giảm oxy máu.
Bệnh nhân cho biết hút thuốc lá gần 30 năm qua. Lúc đầu ông hút 4-6 điếu một ngày, sau đó tăng lên 10 điếu một ngày, hai ngày một gói. Hai năm gần đây mỗi ngày hút 1-2 gói. Theo bác sĩ Hoài, hút thuốc lá lâu năm là yếu tố nguy cơ cao gây tràn khí màng phổi tự phát. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có khả năng suy hô hấp cấp, phù phổi, suy tim đe dọa tính mạng.
Người bệnh được đặt ống dẫn lưu màng phổi loại bỏ lượng khí bất thường, giúp phổi nở trở lại để thực hiện chức năng hô hấp bình thường.
Bác sĩ Hoài cho biết đa số trường hợp tràn khí màng phổi sau khi dẫn lưu, phổi nở ra tốt thì lỗ rò tự đóng lại. Tuy nhiên, sau ba ngày điều trị, khí ở phổi ông Huỳnh vẫn xì ra liên tục, lượng nhiều kèm theo một phần phổi còn xẹp không nở hết. Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật nội soi lồng ngực để xử trí tràn khí màng phổi.
Trong khi mổ, nhờ dụng cụ nội soi sắc nét, phóng đại nhiều lần, bác sĩ phát hiện một lỗ thủng đường kính khoảng 2 mm ở thùy trên phổi phải, xì rò liên tục. Lỗ thủng rất nhỏ nên khó phát hiện trên phim chụp CT phổi. Ê kíp phẫu thuật vá lỗ thủng bằng dụng cụ nội soi chuyên dụng.
Một ngày sau ca mổ, ông Huỳnh hết đau tức ngực, thở dễ dàng, phổi nở tốt, chức năng hô hấp trở lại bình thường. Ông xuất viện, bác sĩ hướng dẫn cai thuốc lá, duy trì lối sống, vận động lành mạnh để phòng bệnh tái phát.
Bác sĩ Hoài cho biết có nhiều nguyên nhân gây tràn khí màng phổi như bệnh tại phổi (kén khí ở phổi, hen suyễn, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khí phế thũng, hội chứng suy hô hấp cấp tính, bệnh thở máy...), sau chấn thương có tổn thương tại phổi, các yếu tố lối sống.
Tùy vào nguyên nhân, kích thước lỗ thủng, mức độ nghiêm trọng tràn khí màng phổi, bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân được theo dõi, tầm soát nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp lỗ thủng gây khó thở và khó chịu vùng ngực, bác sĩ chọc hút bằng kim tạm thời (loại bỏ một phần không khí trong khoang màng phổi để giải áp tạm thời), sau đó dẫn lưu bằng ống (đặt một ống thông nhiều lỗ bên vào khoang lồng ngực để dẫn khí thoát khỏi khoang màng phổi).
Nếu không đáp ứng với các biện pháp điều trị trên, bệnh nhân cần phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật, màng phổi từng tổn thương yếu và dễ rách hơn, tăng nguy cơ tái phát. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo dõi, bỏ thuốc lá. Giai đoạn đầu sau mổ cần tránh các hoạt động có sự thay đổi đột ngột áp suất không khí như lặn biển sâu, dù lượn...
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |