Người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể giảm các triệu chứng bằng cách tránh các loại thực phẩm gây kích thích và có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Các loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP thấp có thể giúp bạn tránh được các triệu chứng IBS như đầy hơi, chướng bụng và đau bụng.
Rau ít FODMAP
FODMAP là một nhóm carbohydrate có trong một số thực phẩm bao gồm: fermentable oligosaccharides (nhóm thực phẩm có thể lên men), disaccharides, monosaccharides và polyols (viết tắt của các nhóm chất này tạo thành từ FODMAP). Chúng có điểm chung là gây ra các vấn đề về dạ dày. Một số người bị IBS tránh rau vì ăn chúng khiến các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, rau rất tốt cho hệ vi khuẩn đường ruột và có thể tốt cho IBS.
Người bị hội chứng ruột kích thích nên chọn loại rau củ ít gây đầy hơi và chướng bụng. Các nhà nghiên cứu FODMAP từ Đại học Monash (Australia) đã nghiên cứu và xác định loại rau phù hợp như măng, ớt chuông, bông cải xanh, cà rốt cần tây, ngô, cà tím, thì là, đậu xanh, mùi tây, khoai tây, hành lá, bí đao, khoai lang, cà chua, củ cải, hạt dẻ, quả bí. Rau xanh có FODMAP thấp như xà lách, bắp cải, cải xoăn, rau diếp, rau bina...
Trái cây ít FODMAP
Giống như rau, trái cây có một số chất dinh dưỡng tốt cho hệ vi khuẩn đường ruột và có lợi cho người bị hội chứng ruột kích thích. Chọn trái cây có hàm lượng FODMAP thấp là cách an toàn. Bạn không nên ăn quá nhiều trong một lần hoặc trong một ngày. Trái cây ít FODMAP như quả bơ (giới hạn 1/8 trái), chuối, việt quất, dưa lưới, nho, kiwi, chanh vàng, chanh xanh, cam quýt, ôliu, cam, đu đủ, dứa, dâu...
Các loạt hạt
Một số loại hạt có ít FODMAP như hạnh nhân, quả hạch brazil, hạt phỉ, hạt mắc ca, hồ đào, hạt thông, quả óc chó. Trong đó, quả hạch là nguồn cung cấp chất xơ, protein và axit béo omega-3 chống viêm. Quả hạch chứa chất béo không bão hòa rất tốt vì nó làm giảm cholesterol. Nó cũng tốt cho hệ vi khuẩn đường ruột và giúp ích cho hội chứng ruột kích thích.
Hạt chia và hạt lanh có lợi nhất cho những người bị hội chứng này, nhất là người bị táo bón. Cả hai loại hạt là nguồn cung cấp chất xơ và axit béo omega-3 dồi dào.
Thịt nạc
Thịt nạc chủ yếu bao gồm protein. Các loại protein dễ tiêu hóa có lợi cho người đang mắc hội chứng ruột kích thích. Bạn có thể chọn thịt gà trắng, thịt gà tây trắng, thịt lợn, thịt nạc bò. Tuy nhiên, các loại thịt của bò ăn cỏ, lợn nuôi đồng cỏ hoặc gia cầm thả rông được nuôi trong điều kiện lành mạnh nên hàm lượng chất béo của chúng có lợi cho vi khuẩn đường ruột.
Trứng
Trứng dễ tiêu hóa là lựa chọn an toàn cho người bị hội chứng ruột kích thích. Trứng luộc, chiên, dùng với khoai tây chiên có thể dùng bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với protein trong lòng trắng trứng nên lưu ý.
Cá hồi và các loại cá omega-3 khác
Axit béo omega-3 đóng vai trò chống viêm trong cơ thể. Vì tình trạng viêm có thể làm tăng thêm các triệu chứng IBS. Vì vậy, ăn nhiều omega-3 hơn có thể hữu ích. Cá giàu axit béo omega-3 bao gồm cá cơm, cá trích, cá thu, cá mồi, cá hồi...
Thực phẩm lên men
Thực phẩm lên men chứa nhiều chủng men vi sinh tự nhiên - những loại vi khuẩn tốt cho tiêu hóa. Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống hàng ngày như đồ uống lên men như nấm sữa kefir, trà lên men kombucha, các loại rau lên men như dưa cải bắp, kim chi, sữa chua (không thêm đường).
Nước hầm xương
Trong nhiều thế kỷ, nước dùng làm từ xương động vật là một thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của con người. Nước hầm xương có chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho hệ vi khuẩn đường ruột và niêm mạc ruột. Một chén súp ấm cũng có thể làm dịu các triệu chứng ruột kích thích.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)