Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình bướm nằm ở trước cổ với chức năng sản xuất các hormone có tác dụng điều hòa quá trình trao đổi chất, chuyển hóa của các tổ chức tim, gan thận.
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp, trong đó, bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến với hơn 70% số ca bệnh. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như: viêm tuyến giáp, tăng tiêu thụ iốt, sử dụng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp...
Theo bác sĩ Duy, bên cạnh việc sử dụng thuốc, chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân cường giáp ổn định sức khỏe. Dưới đây là một số loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, có ích cho đối tượng này.
Các loại quả mọng nước: dâu tây, việt quất, kiwi, cam, quýt... chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, chống lại quá trình lão hóa và tình trạng viêm nhiễm, giúp cân bằng hormone tuyến giáp. Đây là một trong những nhóm thực phẩm hàng đầu mà bệnh nhân cường giáp nên lựa chọn.
Thực phẩm giàu vitamin D và canxi: sữa chua, sữa ít béo, phô mai... nên thường xuyên có trong thực đơn của bệnh nhân tuyến giáp. Cường giáp khiến hệ xương khớp yếu và giòn do rối loạn chuyển hóa canxi máu, dẫn đến loãng xương. Khi điều trị cường giáp ổn định, hệ xương khớp sẽ được cải thiện. Người bệnh cần bổ sung vitamin D và canxi vào chế độ ăn hàng ngày để tăng cường nâng cao sức khỏe xương khớp. Bổ sung đầy đủ vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Trường hợp bị khó tiêu do bất dung nạp lactose, người bệnh nên bổ sung canxi bằng các loại rau xanh như rau bina (rau chân vịt), cải xoăn, cải thìa, cần tây... Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều các loại cải này, vì chúng có thể gây giảm chức năng tuyến giáp.
Thực phẩm giàu axit béo omega 3: trứng gà, cá hồi, gan cá, dầu ô liu, hạt óc chó... có tác dụng làm dịu hoạt động của tuyến giáp, ngăn chặn tình trạng cường giáp cũng như tăng cường sức khỏe toàn cơ thể.
Thực phẩm giàu kẽm: hạt bí ngô, hạt hạnh nhân, hạt óc chó... chứa nhiều kẽm mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh cường giáp. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, khoáng chất kẽm sẽ bị cạn kiệt. Việc thiếu kẽm gây cản trở sự phân chia tế bào và quá trình tăng trưởng của cơ thể. Do vậy, người bệnh cường giáp nên bổ sung thực phẩm giàu kẽm vào chế độ ăn hàng ngày.
Đạm thực vật: đậu phụ, đậu lăng, đậu gà... chứa nhiều protein, giúp bệnh nhân cường giáp vừa duy trì cân nặng vừa an toàn cho sức khỏe. Vì giảm cân là một triệu chứng thường gặp của bệnh cường giáp. Chế độ ăn giàu đạm thực vật sẽ giúp người bệnh cường giáp duy trì sức khỏe, cải thiện cân nặng. Trường hợp không ăn được đạm thực vật, bạn có thể bổ sung nguồn đạm động vật như thịt gà, thịt heo...
Bác sĩ Duy chia sẻ thêm, bệnh cường giáp làm tăng chuyển hóa nên khiến cơ thể dễ mất các chất dinh dưỡng, nhất là vi chất (sắt, kẽm, magie...). Người bệnh cần xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng với đa dạng các loại thực phẩm để mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị.
Bệnh cường giáp thường gây ra triệu chứng hồi hộp, khó thở, sụt cân... Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh cường giáp diễn ra âm thầm nhưng gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ tại các bệnh viện đa khoa có trang thiết bị máy móc hiện đại và bác sĩ nhiều kinh nghiệm để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Khi mắc cường giáp, bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe để kiểm soát tình trạng bệnh, tránh các biến chứng cấp (rối loạn nhịp tim, suy tim,...) và cơn bão giáp (hormone tăng quá cao) có thể khiến tử vong.
Nguyễn Trăm