Trong hai năm đầu đời, não bộ của trẻ phát triển nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác. Để duy trì sự phát triển, não cần một số chất dinh dưỡng nhất định, bao gồm chất béo lành mạnh, DHA, sắt, protein...
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, chất dinh dưỡng từ thức ăn là nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho não bộ của trẻ trong suốt thời thơ ấu. Bên cạnh thức ăn, hoạt động thể chất và giấc ngủ cũng là những yếu tố then chốt giúp não bộ phát triển.
Quả việt quất: Trong việt quất có các hoạt chất như anthocyanin, pterostilbene giúp nuôi dưỡng mạch máu, tăng cường kết nối thần kinh và chống gốc tự do. Quả việt quất giúp trí não trẻ phát triển, nhanh nhạy, xây dựng trí nhớ. Ngoài ra, loại quả này còn chứa nhiều flavonoid, một loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật, giúp cơ thể hấp thu vitamin C, sản xuất collagen protein để tạo ra các mạch máu và mô cơ.
Phụ huynh có thể trộn thêm quả việt quất vào ngũ cốc, salad, sữa chua parfaits (món tráng miệng). Ba mẹ cần nghiền nhỏ hoặc cắt nhỏ quả việt quất cho trẻ mới bắt đầu ăn.
Quả ô liu: Chất béo không bão hòa đơn trong ô liu được tất cả tế bào sử dụng và thúc đẩy quá trình vận chuyển nhiều oxy đến não. Ăn ô liu thường xuyên cũng có thể giúp não ít bị suy thoái hơn theo thời gian.
Phụ huynh có thể sử dụng dầu ô liu cho bé bằng cách chế biến hoặc ăn kèm với các món ăn. Sau khi nấu cháo xong, nhỏ vài giọt dầu oliu vào chén cháo giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn. Với trẻ lớn hơn thì có thể dùng quả ô liu như một món ăn phụ. Cha mẹ hãy cắt nhỏ oliu cho trẻ ăn để tránh bị nghẹn.
Quả hạch: Các loại hạt có chất béo không bão hòa đơn và vitamin E, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, não bộ. Ba mẹ nên cho trẻ ăn quả óc chó, hạnh nhân, hồ trăn,... chứa nhiều chất béo tốt, chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin E có tác dụng bảo vệ màng tế bào khỏi tác động của gốc tự do. Ba mẹ có thể xay nấu sữa hạt cho bé uống hoặc chế biến món bánh cho bé thưởng thức hàng ngày. Ba mẹ cũng có thể thái mỏng hoặc cắt nhỏ bơ làm từ các loại hạt cho trẻ nhỏ từ 7-8 tháng tuổi tập ăn.
Cá: Ăn cá thường xuyên ảnh hưởng đến kích thước não và có thể làm chậm quá trình lão hóa của não. Dầu (chất béo omega-3) có trong cá béo giúp não phát triển, nhanh nhạy, tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, tăng khả năng tập trung và trí nhớ.
Ba mẹ hãy bắt đầu thói quen chế biến cá vào mỗi sáng sớm, có thể cho bé ăn cá nấu chín trong năm đầu tiên. Mục tiêu là hai khẩu phần cá béo mỗi tuần (ví dụ: cá hồi, cá bơn, cá thu, cá hồi) cho trẻ lớn. Trẻ nhỏ thì có thể ăn một phần cá/tuần. Cha mẹ chế biến cá chín và hạn chế các loại cá chứa thủy ngân như cá kiếm, cá ngừ đại dương.
Quả bơ: Bơ tự nhiên giàu chất béo lành mạnh (axit béo omega-3), cải thiện lưu lượng máu lên não, tăng cường não bộ phát triển. Bơ nghiền là thức ăn tốt cho trẻ sơ sinh. Đối với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo, ba mẹ hãy nghiền bơ trên bánh mì sandwich thay cho sốt mayonnaise, cắt thành khối vuông như thức ăn cho ngón tay hoặc dùng thìa cắt đôi quả bơ, vắt nước cốt chanh vào để trẻ tự xúc ăn.
Trứng: Trứng chứa nhiều choline, là một chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình phát triển trí nhớ của trẻ. Một lòng đỏ có khoảng 200 miligam choline, đáp ứng hoặc gần như đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ em. Thực phẩm này cũng chứa sắt, folate và vitamin A và D (nếu được tăng cường), quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường. Ba mẹ hãy thử các món chiên, luộc, salad, bánh và trứng rán, món nướng được phết trứng để tạo ra mùi thơm.
Bác sĩ Hồng Loan cho biết thêm, để con phát triển trí não tối ưu, thông minh, ngoài việc lựa chọn thực phẩm, ba mẹ cần lưu ý thói quen ăn uống ở trẻ. Thời gian ăn quan trọng cho sự phát triển não bộ. Trẻ nên ăn uống đúng giờ, đúng bữa. Chế độ ăn uống điều độ sẽ giúp não bộ duy trì hoạt động, khả năng tập trung tốt.
Ngoài ra, cha mẹ nên chế biến món ăn cho trẻ từ những thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, tươi, sạch. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để có những tư vấn cụ thể từ bác sĩ.
An Bình