Trả lời:
Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực, trong đó 90% liên quan đến bệnh động mạch vành. Bệnh nhân đau ngực cấp tính thường mắc hội chứng động mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim).
Thiếu máu cơ tim có thể gây ra đau ngực cấp. Biểu hiện điển hình của thiếu máu cục bộ là đau thắt ngực (cảm giác nặng hoặc bị ép ở ngực, nóng rát hoặc khó thở). Cảm giác khó chịu thường lan xuống vai, cổ hoặc cánh tay trái và thường tăng cường độ trong vài phút. Cơn đau có thể khởi phát khi tập thể dục hoặc căng thẳng tim. Đôi khi triệu chứng không rõ ràng, như đau quai hàm hoặc đau vai, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi. Phụ nữ, người già và người mắc bệnh tiểu đường có thể gặp các triệu chứng thiếu máu cơ tim không điển hình.
Đau thắt ngực thường tiến triển trầm trọng, kéo dài trên 15 phút và không giảm dù có uống thuốc và nghỉ ngơi, là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim sắp xảy ra. Thời gian "vàng" cấp cứu trong vòng 1-2 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Đau ngực có thể là triệu chứng của bệnh màng ngoài tim, bệnh mạch máu bóc tách động mạch chủ cấp tính, bệnh lý phổi hay bệnh đường tiêu hóa (trào ngược dạ dày - thực quản).
Anh bị đau ngực kèm theo dấu hiệu tụt huyết áp, khó thở hoặc có cảm giác không thở được, có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim). Anh nên nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để khám. Bác sĩ có thể đo điện tâm đồ khảo sát bất thường điện tim hoặc rối loạn nhịp nguy hiểm không, chụp X-quang ngực, xét nghiệm dấu ấn sinh học hs-Troponin, siêu âm tim... kết hợp khai thác bệnh sử để xác định nguyên nhân đau ngực.
Anh nên khám tầm soát chuyên sâu tim mạch để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh thiếu máu cơ tim mạn và rối loạn lipid máu. Từ đó, bác sĩ có thể điều trị phù hợp cho anh.
ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |