Ngày 27/9, TS.BS Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết phần lớn người béo phì không hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh. Do đó, họ thường nhịn ăn uống, áp dụng những phương pháp giảm cân không khoa học dẫn đến nhiều hệ lụy.
Béo phì là bệnh mạn tính, tái phát và tiến triển, cần theo dõi, điều trị kịp thời. Bệnh có xu hướng tăng nhanh do nhiều yếu tố dưới đây.
Di truyền: Gene liên quan đến hệ thống điều khiển sự thèm ăn và tiêu hao năng lượng, quá trình trao đổi chất, tích trữ mỡ. Đơn cử gene ADRB3 làm giảm khả năng đốt cháy mỡ và tăng tích trữ mỡ, góp phần tăng tình trạng béo phì.
Rối loạn vi khuẩn đường ruột: Hệ vi sinh đường ruột tham gia vào quá trình tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng, điều hòa quá trình chuyển hóa năng lượng. Nếu vi khuẩn có lợi giảm tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển mạnh, làm cho chức năng này rối loạn, dẫn đến tăng khả năng tích tụ mỡ và thừa cân.
Tuổi tác: Càng lớn tuổi, tốc độ chuyển hóa cơ bản (BMR), tức lượng năng lượng mà cơ thể sử dụng để duy trì các chức năng cơ bản giảm dần. Lúc này, cơ thể đốt cháy ít calo hơn so với khi còn trẻ, gây tích tụ năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ. "Người lớn tuổi không điều chỉnh để ăn uống lành mạnh, lười vận động, nguy cơ béo phì cao hơn", bác sĩ Hoàng nói.
Mất cân bằng nội tiết: Béo phì liên quan đến hormone. Leptin là hormone quan trọng được tiết ra từ các tế bào mỡ, có vai trò điều chỉnh cảm giác no và đói trong cơ thể. Khi hoạt động bình thường, leptin báo hiệu cho não biết rằng cơ thể đã đủ năng lượng và không cần ăn thêm, giúp duy trì cân bằng năng lượng. Tuy nhiên, khi mất cân bằng nội tiết, leption bị rối loạn dễ dẫn đến mất ngủ và đói liên tục.
Một số bệnh nội tiết, bệnh nội khoa, sử dụng thuốc điều trị các bệnh này hoặc bệnh thần kinh cũng có thể gây tăng cân, béo phì.
Yếu tố lối sống: Ăn nhiều thực phẩm giàu calo, đường và chất béo xấu như đồ ăn nhanh, thức chiên rán, chế biến sẵn, nước ngọt, đồ uống có cồn, lười vận động có thể dẫn đến béo phì.
Ngoài ra, người thường xuyên căng thẳng, rối loạn giấc ngủ tác động tới một số cơ quan, trong đó có tuyến thượng thận, kích thích tiết nhiều hormone cortisol. Cortisol tăng cao làm giảm quá trình sản xuất và hiệu quả hoạt động của leptin. Điều này làm cho cơ thể khó cảm nhận được cảm giác no, dẫn đến ăn quá nhiều, tích tụ năng lượng dưới dạng mỡ.
Theo bác sĩ Hoàng, một số người chưa hiểu đúng về béo phì, chưa biết đây là bệnh, đi khám khi bệnh đã gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Đơn cử chị Lý, 35 tuổi, ngụ TP HCM, cao 1,53 m, nặng 72,5 kg, BMI 31,7 (kg/m2), mỡ nội tạng 171,6 cm2. Chị đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì khám và được chẩn đoán gan nhiễm mỡ độ hai, béo phì. Bác sĩ Hoàng cho biết tình trạng gan nhiễm mỡ của người bệnh là biến chứng do béo phì lâu ngày không kiểm soát.
Béo phì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm khớp gối, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, gan nhiễm mỡ không do rượu, đột quỵ, trầm cảm, đái tháo đường...
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa quá mức tại một vùng cơ thể hay toàn thân. Ở người châu Á, chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 23 trở lên được xếp vào nhóm thừa cân, BMI từ 25 trở lên là béo phì. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Vòng eo cũng là chỉ số giúp tầm soát nguy cơ thừa cân, béo phì. Nguy cơ này tăng lên khi vòng eo nữ giới trên 88 cm và nam giới trên 102 cm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thống kê trong một năm qua cho thấy người thừa cân béo phì chiếm khoảng 57% số bệnh nhân đến khám. Trong khi một năm trước, số người thừa cân béo phì đến khám ít hơn, khoảng 50%. "Tỷ lệ người thừa cân, béo phì ngày càng tăng nhưng số người điều trị còn hạn chế", bác sĩ Hoàng nói.
Các bác sĩ điều trị béo phì bằng cách tiếp cận từng bước, đa mô thức và cá thể hóa. Người bệnh được đánh giá, điều trị theo chỉ định của bác sĩ đồng thời thay đổi lối sống toàn diện, từ ăn uống đến vận động.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |