U xơ tuyến tiền liệt, phì đại lành tính tuyến tiền liệt (tăng sinh lành tính), là tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước bất thường.
Ngày 2/1, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nút mạch là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, thực hiện dưới hình ảnh chụp mạch DSA. Khi ấy, bác sĩ đưa ống thông vào lòng động mạch, bơm vật liệu nút mạch bít tắc các nhánh mạch nuôi khối phì đại. Mất đi nguồn máu nuôi, khối phì đại co nhỏ dần về kích thước gần bình thường. Khối u không còn đè ép vào niệu đạo và bàng quang, triệu chứng bí tiểu, tiểu rắt sẽ hết hoặc được cải thiện.
Theo phó giáo sư Hiền, kỹ thuật này có thể thực hiện với các khối u xơ tiền liệt tuyến trọng lượng hơn 100 g, do phẫu thuật thường gặp khó khăn, gây đau đớn, tiềm ẩn nhiều biến chứng hậu phẫu như tiểu ra máu, tiểu buốt, nhiễm trùng đường tiểu, suy giảm ham muốn tình dục... Phì đại tiền liệt tuyến càng lớn thì hệ mạch máu nuôi u càng rõ nét, nút mạch càng hiệu quả.
Như ông Đồng, 66 tuổi, tuyến tiền liệt phì đại 110 g, gấp 4,4 lần bình thường, đi tiểu 5-6 lần mỗi đêm. Tình trạng này kéo dài có thể gây nhiễm trùng đường tiểu, tổn thương bàng quang, suy thận.
Sau 30 phút can thiệp nút mạch, ông Đồng được xuất viện sau một ngày nằm viện. Ba tháng sau, ông đến tái khám, kết quả chụp MRI cho thấy khối u giảm 60% kích thước. Ông đi tiểu không còn buốt rắt, đêm chỉ dậy 1-2 lần, sinh lý tốt hơn.
Nút động mạch tuyến tiền liệt được chỉ định khi người bệnh có các triệu chứng như tiểu khó, tiểu đêm, tiểu rỉ, tiểu rắt... Kỹ thuật có thể thực hiện trên các bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật như người mắc bệnh tim mạch, rối loạn đông máu hoặc sức khỏe không cho phép phẫu thuật. Với ưu điểm ít xâm lấn, bảo tồn chức năng tình dục, đây cũng là phương pháp phù hợp cho người bệnh phì đại tuyến tiền liệt còn trẻ tuổi.
"Nút mạch điều trị phì đại tuyến tiền liệt là kỹ thuật khó, do hệ mạch máu của tuyến tiền liệt nhỏ như sợi tóc", phó giáo sư Hiền nói, thêm rằng ở người bệnh lớn tuổi, mạch máu tuyến tiền liệt càng nhỏ hơn, dễ xoắn lại và xơ vữa, bác sĩ khó tìm ra và luồn được ống thông vào bít tắc chính xác những nhánh mạch này. Do đó, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các bác sĩ sử dụng robot Artis Pheno với khả năng chụp mạch máu rõ nét, màn hình có độ phân giải cực đại để nhìn rõ mạch máu, thao tác chính xác hơn.
PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến, với khoảng 50% nam giới trên 50 tuổi mắc bệnh, trên 80 tuổi là 90%. Dù lành tính, bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Khối u có thể gây chèn ép vào niệu đạo và bàng quang, cản trở khả năng bài tiết nước tiểu của cơ thể, từ đó gây triệu chứng bí tiểu, tiểu rắt, nhiễm trùng đường tiểu, ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục.
Theo phó giáo sư Hinh, phì đại tuyến tiền liệt ngày nay được điều trị theo xu hướng bảo tồn. Trong đó, phương pháp phẫu thuật nội soi có nhiều tiến bộ, sử dụng sóng laser holmium để bóc u, giúp hạn chế xâm lấn, ít đau, hồi phục nhanh hơn so với mổ mở. Ống nội soi được thiết kế linh hoạt, chất lượng hình ảnh rõ nét giúp bác sĩ thao tác chuẩn xác.
Hoài Phạm
Lúc 20h ngày 2/1/2024, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Tuyến tiền liệt tuổi trung niên: Phẫu thuật hay không cần phẫu thuật?", phát trực tiếp trên fanpage VnExpress. Chương trình có sự tham gia của PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tâm Anh TP HCM, PGS Trần Văn Hinh và PGS Nguyễn Xuân Hiền. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |