Cách đây 5 năm, ông Hoàng được chẩn đoán tuyến tiền liệt phì đại (tăng kích thước) gấp đôi bình thường, chưa cần điều trị do không ảnh hưởng cuộc sống. Gần đây, triệu chứng bệnh rõ dần như đi tiểu thường xuyên, cảm giác tiểu không hết, nên ông không dám đi chơi xa.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chẩn đoán tuyến tiền liệt của bệnh nhân nặng 110 g, ngày 17/7. Phần tăng sinh của tuyến tiền liệt chèn ép nghiêm trọng niệu đạo (đường dẫn nước tiểu). Bàng quang có hai viên sỏi kích thước hai cm, lấp kín "cửa" từ bàng quang xuống niệu đạo. Hẹp cùng lúc hai chỗ trong đường tiết niệu khiến người bệnh rối loạn tiểu tiện.
Ông Hoàng được kê đơn thuốc để giảm số lần đi tiểu, kết hợp phẫu thuật giải quyết dứt điểm bệnh. Ê kíp phẫu thuật nội soi qua đường niệu đạo, dùng tia laser tán sỏi bàng quang và cắt bỏ vùng tăng sinh bằng dao điện, giúp đường tiết niệu thông thoáng. Tuyến tiền liệt của bệnh nhân được bảo tồn, giảm nguy cơ rối loạn chức năng tình dục. Sau mổ một ngày, sức khỏe người bệnh ổn định, đi lại bình thường.
ThS.BS.CKII Phạm Thanh Trúc, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết tuyến tiền liệt chỉ có ở hệ sinh dục nam giới, nằm dưới bàng quang, bao quanh ống niệu đạo. Phì đại tuyến tiền liệt là u lành thường gặp nhất ở nam giới trung niên và tăng kích thước dần theo tuổi.
Dấu hiệu đặc trưng là bí tiểu, đi tiểu phải rặn, ngắt quãng, tia nước yếu, lắt nhắt, cảm giác tiểu không hết, tiểu đêm. Bí tiểu kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp hoặc nhiễm khuẩn niệu, nhiễm khuẩn huyết, tử vong.
Không có biện pháp trì hoãn tình trạng này. Bác sĩ khuyến cáo nam giới sau 50 tuổi, nhất là người bệnh tăng sinh tuyến tiền liệt, cần khám sức khỏe hàng năm. Phương án điều trị tùy thuộc tình trạng bệnh, tuổi tác, bệnh nền. Các phương pháp phổ biến là bảo tồn, uống thuốc, phẫu thuật. Mỗi phương pháp đều có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục như gây rối loạn cương, giảm ham muốn, rối loạn xuất tinh.
Anh Thư