Thứ sáu, 24/1/2025
Thứ hai, 13/2/2017, 15:00 (GMT+7)

Tuyên Quang xuất hiện nhiều triệu phú nông dân nhờ trồng cam

Do sản lượng tiêu thụ ngày càng lớn mà cam sành trở thành "quả vàng", giúp bà con tại một số huyện ở Hàm Yên hay Chiêm Hóa, Tuyên Quang làm giàu nhanh chóng.

Cam sành Hàm Yên vốn là giống cam địa phương, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên cho chất quả ngọt, thơm đặc biệt. Nhận thấy giá trị kinh tế của giống cây này, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên đã hỗ trợ người trồng mở rộng diện tích, đưa cam trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được triển khai nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu cam của vùng.

Cụ thể, trước năm 2000, diện tích trồng cam toàn huyện chỉ gần 1.500 ha; các vườn cam nhỏ lẻ do hộ gia đình tự trồng và chăm sóc dựa theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, từ năm 2005, với chủ trương phát triển cây cam sành, diện tích trồng đã mở rộng nhanh chóng, lên tới hơn 2.000 ha vào năm 2012 và đến nay là trên 5.000 ha. Tổng sản lượng vụ cam năm 2015-2016 đạt trên 43.000 tấn, 60% thị trường tiêu thụ là các tỉnh miền Trung và miền Nam.

polyad

Giống cam quý giúp người dân Hàm Yên vươn lên làm giàu. Ảnh: Bizmedia.

Vùng trồng cam tại Tuyên Quang hiện tập trung ở 13 xã của huyện Hàm Yên và 2 xã của huyện Chiêm Hóa. Trong đó, mô hình trồng cam VietGAP mới được triển khai từ năm 2013, chủ yếu tại xã Phù Lưu và Yên Phú - hai xã có sản lượng cam lớn của huyện Hàm Yên, với tổng trên diện tích 50 ha.

Cây cam VietGAP không chỉ cho quả đẹp, năng suất tốt mà còn giúp bảo vệ và gìn giữ chất đất đặc biệt. Theo chia sẻ của các hộ dân trong vùng, khi thu hoạch, giống cam này có giá cao hơn quả cam thường. Cụ thể, mỗi cây cam trung bình cho khoảng 3 tạ quả; cam thường bán tại vườn khoảng 7.000 - 8.000 đồng một kg, cam VietGAP bán được từ 8.000 đến 9.000 đồng một kg. Giá bán lẻ ra thị trường dao động 20.000-40.000 đồng một kg; giá trị kinh tế trung bình đạt khoảng 3 triệu đồng một cây. Nhờ đó, nhiều làng, xã tại Hàm yên được mệnh danh là làng triệu phú, xã triệu phú nhờ cây cam.

Riêng tại xã Phù Lưu, trung bình mỗi năm, địa phương này cung cấp cho thị trường hơn 15.000 tấn quả, đạt doanh thu gần 200 tỷ đồng. Hơn nữa, Phù Lưu còn được biết đến là xã có đến 41 tỷ phú đạt doanh thu trên một tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cam và 50% hộ gia đình trong xã là hộ giàu.

Điển hình là trường hợp của ông Nông Văn Nghiệp (xã Phù Lưu) - một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề. Ông cho biết, nhờ 5 ha trồng cam, ông đã xây được nhà mới 2 tầng khang trang, mua nhiều thiết bị, đầu tư cho con cái học tập và sắm được cả xe bán tải để tự chở cam về Hà Nội. Trong khi đó, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Mường) có 1.700 gốc cam sành cho thu hoạch khoảng trên 160 tấn quả mỗi năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi hơn một tỷ đồng.

Cùng xã với ông Nghiệp, chị Huệ, chị Trần Thị Tuyết (thôn Lăng Đán) cũng trở thành triệu phú cam nhờ gắn bó với loại cây này. Hiện, vườn cam 6 năm tuổi của gia đình chị cho thu hoạch khoảng 80 tấn. Với mức giá chung hiện nay, chị Tuyết có thu nhập ít nhất khoảng 700 triệu đồng mỗi vụ.

Hàng năm, tới vụ thu hoạch, hàng trăm lao động từ Yên Bái, Lào Cai lại đổ về Tuyên Quang để tham gia thu hái cam thuê. Trên những đồi cam bạt ngàn, tấp nập người, ngựa thồ hàng tấn quả  xuống chân đồi tại các điểm tập kết. Từ đây, cam được phân loại và bán đi khắp cả nước.

Nhiều làng, xã tại Hàm Yên xuất hiện triệu phú nhờ trồng cam
 
 

Vụ thu hoạch cam sành Hàm Yên của bà con.

Để giữ gìn thương hiệu cam sành Hàm Yên, Ủy ban nhân dân huyện cùng Hiệp hội cam sành dự kiến tiếp tục hỗ trợ bà con mở rộng vùng trồng cam theo chuẩn VietGAP lên 1.000 ha vào năm 2020; đồng thời, hướng tới thị trường tiêu thụ quốc tế.

Giang Tạ

Chia sẻ bài viết qua email