Quy trình sản xuất nước mắm Cát Hải
Nhờ chuẩn hóa các khâu từ đánh giá chất lượng nguyên liệu đầu vào tới quá trình chế biến, đóng chai mà nước mắm Cát Hải luôn giữ được hương vị riêng, đậm đà và đảm bảo an toàn cho người dùng.
Từ lâu, người dân vùng Cát Hải (Hải Phòng) đã nổi tiếng với nghề làm nước mắm theo phương pháp phơi nắng và đảo chượp truyền thống độc đáo. Trước nhu cầu của thị trường về sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2002, Công ty dịch vụ chế biến thủy sản Cát Hải - đơn vị thừa kế thương hiệu nước mắm Vạn Vân nổi tiếng của Cát Hải bắt đầu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng HACCP và ISO 9001:2008 vào quy trình sản xuất nước mắm.
Để chủ động nguồn cá tươi sạch, công ty ký hợp đồng thu mua dài hạn với các tàu cá theo hệ tiêu chuẩn riêng. Khi nhập cá, bộ phận quản lý chất lượng sẽ tiến hành lấy mẫu, kiểm tra để đảm bảo cá không bị bảo quản bằng hóa chất, kháng sinh, urê… trong quá trình vận chuyển từ ngoài khơi về đất liền. Ngoài ra, muối dùng sản xuất nước mắm luôn là muối tinh khiết, kết tinh ở dạng hạt nhỏ, độ rắn cao. Trước khi sử dụng, muối được trữ tại kho riêng có nền cao, khô ráo trong thời gian từ 1 đến 2 tháng để loại bỏ độ chát.
Nước mắm Cát Hải được làm theo phương pháp phơi nắng và đảo chượp truyền thống. Ảnh: tuhaoviet. |
Để chuẩn bị chượp, các dụng cụ như bể, xẻng xúc, cào gỗ được vệ sinh sạch trước và sau khi dùng. Trong thời gian ủ chượp, công nhân phải canh để cho cá "ăn muối" đúng thời điểm, giúp chượp đạt chất lượng tốt. Khu đặt chượp được bố trí trên phần mặt bằng thoáng rộng. Bề mặt tường, sân phơi chượp, bể chứa được làm bằng các vật liệu dễ vệ sinh. Đặc biệt, nền xưởng và sân phơi luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ.
Toàn bộ nước thải trong quá trình ủ chượp được chảy qua hệ thống rãnh thoát và đổ vào hồ xử lý trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, tất cả công nhân làm việc ở khu sản xuất đều phải tuân thủ chặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mặc trang phục bảo hộ lao động, đeo găng tay.
Sau 12 tháng, chượp chín được chuyển vào các bể kéo rút để tiến hành tinh lọc nước mắm cốt. Khu vực kéo rút có vị trí riêng biệt, thoáng gió và đón ánh nắng tự nhiên. Tại đây, công nhân phải sử dụng trang phục và dép đi riêng đã được tẩy trùng. Nền khu được lau chùi, vệ sinh hàng ngày. Nước mắm sau khi kéo rút đi vào bể chứa khác, mỗi bể lại có các van khác nhau để phục vụ pha đấu với quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng.
Sau kéo rút, nước mắm được kiểm tra lại về các chỉ tiêu màu sắc, hương thơm, vị mặn, độ trong và độ đạm tổng quát; sau đó đi qua hai lần lọc tinh rồi mới đưa vào khâu đóng chai. Toàn bộ chai trước khi dùng được tráng nước sạch và khử trùng. Khâu cuối cùng là dán nhãn, rút màng co và đóng hộp thành phẩm.
Mỗi năm, hơn 7 triệu lít nước mắm Cát Hải được cung cấp cho thị trường với hơn 700 đại lý và điểm bán khắp 24 tỉnh thành. Không chỉ tiêu thụ ở trong nước, nước mắm Cát Hải được còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Philippines, Lào hay khu vực Đông Âu.
Hà Giang