Thứ sáu, 20/12/2024
Thứ năm, 5/1/2017, 11:00 (GMT+7)

Quảng Ninh phát triển nghề nuôi hàu với mô hình chuỗi liên kết

Việc kiểm soát chặt chẽ từ quy trình nuôi, đầu tư công nghệ chế biến, tạo thành chuỗi mô hình giúp hàu Vân Đồn, Quảng Ninh được phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với lợi thế môi trường tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi hàu thương phẩm, hiện nay, vùng Vân Đồn tập trung nuôi giống hàu Thái Bình Dương thịt dày, ngọt, vỏ mỏng và cho năng suất cao. Tuy nhiên, lượng hàu tại khu vực này chủ yếu cung cấp cho thị trường dưới dạng tươi sống, nên quá trình vận chuyển, chế biến, bảo quản tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn này, từ năm 2010, tại Vân Đồn, nhiều mô hình chuỗi liên kết nuôi trồng với chế biến hàu được phát triển. Tham gia mô hình không chỉ có người nuôi hàu, cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp thu mua hàu tươi sống mà còn có cả các doanh nghiệp chế biến. Điều này hình thành nên chuỗi liên kết dọc cho nghề sản xuất hàu tại Vân Đồn.

Nghề nuôi hàu tại Vân Đồn phát triển khá mạnh. Ảnh: Bizmedia.

Nghề nuôi hàu tại Vân Đồn phát triển khá mạnh. Ảnh: Bizmedia.

Để kiểm soát chất lượng hàu nuôi, từ năm 2009 đến nay, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy Sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ kinh phí giám sát để cán bộ cục thực hiện lấy mẫu và kiểm tra các mô hình nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như trai, hàu, tu hài về môi trường nuôi (tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật, kim loại nặng trong nước, chất lượng nuôi…). Đồng thời, đơn vị kiểm tra cả cơ chế thu hoạch, cách xử lý sau thu hoạch và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất nhuyễn thể 2 mảnh vỏ với tần suất 2 tháng một lần cho các đơn vị nuôi.

Từ nguồn nguyên liệu chất lượng, để mở rộng đầu ra cho hàu thương phẩm, tháng 12/2013, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, trung tâm Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Hà Nội) phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh thực hiện dự án "Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến hàu Thái Bình Dương thành sản phẩm hàu sấy khô, hàu tẩm ướp gia vị và nem hàu tại Quảng Ninh". Sau hơn một năm thử nghiệm, dự án đã xây dựng thành công các quy trình công nghệ chế biến hàu.

Thu hoạch hàu tại Vân Đồn. Ảnh: Bizmedia.

Thu hoạch hàu tại Vân Đồn. Ảnh: Bizmedia.

Cụ thể, để sản phẩm ruốc hàu đáp ứng nhu cầu của thị trường, các bước sản xuất như sơ chế nguyên liệu, cấp đông, xào, sấy khô, xé, đóng lọ, thanh trùng, dán nhãn đều tuân thủ theo theo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Công nhân phải sử dụng trang phục bảo hộ lao động, đeo tạp dề, khẩu trang khi làm việc. Khu vực nhà xưởng, sàn nhà, chân tường, cống rãnh đều có bề mặt dễ cọ rửa và luôn khô ráo, dụng cụ, vật dụng sử dụng trong suốt quá trình chế biến đều được làm sạch trước và sau khi sử dụng.

Năm 2015, ruốc hàu tham gia OCOP - chương trình thúc đẩy thương mại cho nông sản các địa phương của tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, nhiều sản phẩm nông sản như na dai Đông Triều, chả mực Hạ Long, ruốc hàu... được giới thiệu đến khách tham quan và đón nhận những phản hồi tích cực. Từ đó, ruốc hàu Vân Đồn được hỗ trợ thêm về vốn sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất, thiết kế nhận diện thương hiệu, bao bì và website quảng bá.

Hiện nay, tại Vân Đồn, không chỉ hàu tươi được ưa chuộng mà các sản phẩm hàu chế biến như ruốc hàu, nem hàu cũng trở thành lựa chọn của nhiều khách du lịch. So với hàu tươi, các sản phẩm hàu chế biến có thời gian bảo quản lâu hơn và dễ dàng vận chuyển hơn.

Giang Tạ

Chia sẻ bài viết qua email