Thứ tư, 24/4/2024
Thứ sáu, 24/3/2017, 14:00 (GMT+7)

Phát triển gà đồi Ba Vì theo mô hình chuỗi khép kín

Hướng tới lợi ích chăn nuôi lâu dài, chất lượng, các hộ nuôi gà đồi tại Ba Vì, Hà Nội đã liên kết với nhau tạo thành chuỗi khép kín từ con giống tới giết mổ, đóng gói.

Ba Vì là huyện miền núi có khí hậu mát mẻ, diện tích vườn đồi lớn, là địa thế "vàng" để nuôi thả gà đồi. Trước đây, gà chủ yếu được nuôi theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, tự phát nên dễ gặp rủi ro về dịch bệnh và giá cả không ổn định. Nhận thấy giống gà ri bản địa có chất thịt thơm, ngon, được thương lái và người mua ưa chuộng, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì quyết định thành lập các chuỗi chăn nuôi khép kín từ nuôi con giống tới khâu giết mổ, đóng gói.

phat-trien-ga-doi-ba-vi-theo-mo-hinh-chuoi-khep-kin

Gà đồi Ba Vì được nuôi thả vườn theo mô hình chuỗi khép kín. Ảnh: Bizmedia.

Để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm ngon, sạch của thị trường, năm 2014, hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì được thành lập theo quyết định số 7218/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội. Đây được xem là nguồn cung cấp thịt thương phẩm dồi dào, ổn định, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch của người dân Thủ đô và các tỉnh thành lân cận. Hội còn là đơn vị kết nối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ để tạo đầu ra ổn định, cùng bà con yên tâm chăn nuôi.

Phát triển gà đồi Ba Vì theo mô hình chuỗi khép kín
 
 

Quy trình chăm sóc đàn gà đồi của một hộ nuôi tại Ba Vì.

Thời gian đầu thành lập, hội có khoảng 40 thành viên, đến nay, số lượng người tham gia đã hơn 60 hộ, tập trung ở các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng. Hàng năm, hội viên được Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội tập huấn về kỹ thuật nuôi gà thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm kiến thức chọn lựa con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà... Nhờ đó, đàn gà của các hộ chăn nuôi trên địa bàn luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Đồng thời, hội còn tổ chức đi tham quan thực tế mô hình chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang để trao đổi và học hỏi thêm kinh nghiệm.

Hiện nay, giống gà được nuôi chủ yếu tại Ba Vì là gà ri lai mía với đặc điểm thích nghi tốt trong điều kiện tự nhiên của địa phương, ít bệnh, khỏe, lại cho mẫu mã đẹp, chất thịt chắc, ngọt. Nhiều hội viên còn trực tiếp sản xuất con giống tạo nguồn cung cấp cho các thành viên khác.

phat-trien-ga-doi-ba-vi-theo-mo-hinh-chuoi-khep-kin-1

Gà đồi Ba Vì đẹp mã, chất thịt thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng trong các dịp lễ, Tết. Ảnh: Bizmedia.

Trước đây, gà đồi chủ yếu được bán cho thương lái dưới dạng nguyên con tươi sống, đến nay, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đã mạnh dạn đầu tư hệ thống cơ sở giết mổ ngay trên địa bàn. Theo đó, Chi cục thú y huyện thường xuyên cử cán bộ về kiểm tra từng đơn hàng, đóng dấu kiểm dịch ngay sau khi gà được giết mổ. Tại đây, gà thịt phải tuân thủ các khâu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng gói, dán nhãn thương hiệu gà đồi Ba Vì trước khi vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Nhờ cách làm này, 2 năm gần đây, chất lượng gà đồi Ba Vì luôn ổn định, giá dao động 80.000-110.000 đồng một kg.

Tháng 6/2016, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội ban hành quyết định 3249/QĐ-UBND cho phép Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì sử dụng địa danh Ba Vì để đăng ký nhãn hiệu tập thể "gà đồi Ba Vì". Với quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo vệ sinh và có thêm thương hiệu tập thể, đây là cơ hội để gà đồi Ba Vì tạo dựng hướng đi mạnh mẽ hơn. Điều này không chỉ góp phần quan trọng vào việc phát triển nền nông nghiệp sạch của Việt Nam mà còn tạo điều kiện làm ăn cho bà con địa phương.

Thu Giang

Chia sẻ bài viết qua email