Thứ tư, 18/12/2024
Chủ nhật, 27/11/2016, 12:00 (GMT+7)

Những chiếc bánh truyền thống của làng Dòng

Dù trị giá chưa tới 10.000 đồng nhưng mỗi chiếc bánh nẳng, bánh gai, bánh giò đã giúp nhiều bà con tại làng Dòng, xã Xuân Lũng, Lâm Thao , Phú Thọ có thêm thu nhập ổn định, đồng thời duy trì được nghề truyền thống của quê hương.

Hiện nay, các sản phẩm bánh mang thương hiệu Làng Dòng đều thuộc Công ty cổ phần Làng Dòng (thành lập năm 2011 và có trụ sở tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Ngoài các sản phẩm chủ lực là bánh chưng, bánh nẳng, bánh gai, bánh giò, Làng Dòng còn có thêm bánh đúc, bánh dày...

Để được người tiêu dùng đón nhận, các loại bánh Làng Dòng đều được làm theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch bằng hệ thống tem nhãn có ghi rõ thành phần, nơi sản xuất, hạn sử dụng. Đến nay, sau hơn 5 năm phát triển, thương hiệu bánh Làng Dòng đã được đăng ký bảo hộ và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giúp bánh có được đầu ra ổn định.

Bánh nẳng Làng Dòng. Ảnh: langdong.com.

Bánh nẳng Làng Dòng. Ảnh: langdong.com.

Để làm ra những chiếc bánh Làng Dòng ngon, sạch, khâu đầu tiên trong quy trình là lựa chọn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Nguyên liệu chính làm bánh là gạo; trong đó, bánh chưng, bánh gai, bánh nẳng được làm từ gạo nếp (chủ yếu là nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung), còn bánh giò, bánh đúc được làm từ gạo tẻ. Để bánh trong, mềm vừa, giòn, không bở, gạo phải được chọn kỹ sao cho không quá dẻo, màu trắng đều, không bị đen đầu, không lẫn tạp chất.

Toàn bộ gạo làm bánh đều được nhập từ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện đã được phòng Nông nghiệp huyện chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các nguyên liệu khác như đậu xanh, mật mía, thịt lợn, dừa tươi… cũng được kiểm tra kỹ, đảm bảo về chất lượng và vệ sinh. Riêng với bánh gai, bánh nẳng, ngoài tổ hợp nguyên liệu trên còn có thêm lá gai và vỏ sở, cây gai sọng, cây đắng... để làm nước nẳng. Đây đều là những loại lá, cây rừng tự nhiên được thu mua từ Hòa Bình, Lai Châu.

Nguyên liệu để gói bánh gồm lá dong rừng và lá chuối. Để bánh có màu đẹp, không mốc, lá phải được rửa kỹ, lau bằng khăn sạch, phơi cho ráo nước rồi mới đem gói.

Ngoài các khâu như khuấy bột, xay bột bằng máy, công đoạn gói bánh được thực hiện hoàn toàn thủ công. Người thợ làm bánh phải rửa tay sạch, sử dụng găng tay, mũ và tạp dề trong khu vực làm bánh để đảm bảo vệ sinh. Máy móc, dụng cụ trong suốt quá trình làm bánh được vệ sinh sau mỗi lần sử dụng.

Trước đây, những chiếc bánh chưng, bánh nẳng, bánh gai làng Dòng chỉ được làm theo hộ gia đình và chủ yếu bán tại địa phương thì nay, nhờ sản xuất tập trung, kết hợp mô hình làm bánh gia truyền với phát triển thương hiệu chung, số lượng tăng lên, thị trường tiêu thụ bánh cũng được mở rộng. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 0,5 tấn bánh mang thương hiệu Làng Dòng cung cấp ra thị trường, đem lại công việc ổn định cho 15-30 lao động.

Hiện nay, bánh Làng Dòng không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn được cung cấp đến nhiều hệ thống siêu thị lớn tại Vĩnh Phúc, Hà Nội; giúp bà con giữ được nghề truyền thống và có được nguồn thu nhập ổn định.

Thu Giang

Chia sẻ bài viết qua email