Thứ bảy, 18/1/2025
Thứ bảy, 7/4/2018, 13:00 (GMT+7)

Ngư dân đất Mũi tất bật sấy hàng chục tấn tôm khô

Mùa gió chướng, mỗi tháng người dân xã Rạch Gốc có thể sấy được 12-15 tấn tôm khô.

Xã ven biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau hiện có khoảng 10 cơ sở chế biến tôm khô. Gần trăm năm trước, nhận thấy nguồn tôm tươi dồi dào không bán hết, bà con đã nghĩ ra cách chế biến thành tôm khô để ăn quanh năm.

Hàng năm, mùa gió chướng hiu hiu thổi từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch năm sau là thời điểm chính vụ khai thác tôm biển. Trước đây, tiếng đập giã, mùi tôm phơi thơm lừng xóm ấp. Song công việc phơi tôm vất vả, phụ thuộc vào thời tiết nên số lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư lò sấy công suất lớn, máy bóc vỏ, máy sàng phân… nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng tôm khô, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và nhu cầu thị trường. Tôm còn được đóng gói chân không để giữ độ ngọt, dai của tôm biển tươi.

Trung bình 10-12kg tôm tươi cho ra một kg tôm khô thành phẩm. Giá tôm khô dao động từ 500.000 đồng đến trên một triệu đồng mỗi kg, tùy theo kích cỡ.

Nghề sản xuất tôm khô tại Rạch Gốc

Ngư dân đất Mũi sấy tôm khô mùa gió chướng
 
 

Ghe, tàu thường đi đánh bắt tôm từ sáng sớm, khoảng 17h mới về bến. Ngay khi cập bờ, tôm được phân loại, sau đó đem hấp ngay để đảm bảo độ tươi. Thời gian hấp khoảng 16-17 phút và được nêm muối cho đậm đà.

Tôm hấp chín thì được đẩy ra dây chuyền sấy nhiệt. Thời gian sấy một tiếng, thực hiện 2 lần. Sau đó tôm được mang đi đập để lọc bỏ phần vỏ cứng. Cuối cùng, người làm lọc lại để loại bỏ vỏ và đem đi đóng gói.

Trước đây, khi phơi nắng trực tiếp, người làm phải dậy sớm để luộc, kịp phơi sáng sớm. Mất ít nhất 2 ngày nắng mới có một mẻ tôm khô. So với cách làm truyền thống, toàn bộ quy trình chế biến tôm bằng máy móc được thực hiện trong nhà, rút ngắn thời gian, giữ được độ ngọt cho tôm và hạn chế côn trùng bám vào tôm khô.

polyad

Tôm biển chắc thịt, ngọt thanh nguyên vị biển đất Mũi. Ảnh: Bizmedia

Nghề làm tôm khô mỗi năm còn cung cấp thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngày 22/12/2011, tôm khô Rạch Gốc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận là thương hiệu tập thể, tạo điều kiện cho người địa phương giữ nghề và phát triển thương hiệu cho nông sản. 

Phù Sa

Chia sẻ bài viết qua email