Thứ hai, 18/11/2024
Thứ tư, 23/11/2016, 10:00 (GMT+7)

Muối - 'vàng trắng' của người dân Bạch Long, Nam Định

Nhờ thay đổi cơ chế, quy trình sản xuất, muối Bạch Long trở thành "vàng trắng", góp phần nâng cao đời sống của nguời dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển vững mạnh.

Xã Bạch Long thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những khu vực có cánh đồng muối lớn nhất khu vực miền Bắc. Sản lượng mỗi năm tại đây lên đến hàng chục nghìn tấn. Tuy nhiên, trước đây, nguồn lợi kinh tế muối mang lại cho người dân Bạch Long không cao do chất lượng muối thấp làm giảm giá thành. Cuộc sống người dân trong xã trở nên khó khăn với mức thu nhập chỉ 400.000-600.000 đồng một người mỗi tháng.

Sau nhiều giải pháp đẩy mạnh ngành muối không thành công, năm 2011, lãnh đạo xã Bạch Long mạnh dạn thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất muối sạch" do Bộ Khoa học và Công nghiệp hỗ trợ. Đây là mô hình sử dụng dây chuyền công nghệ chế biến muối tinh khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua công đoạn chế biến, muối thành phẩm vẫn giữ được 98% lượng NaCl, độ ẩm đạt 4%, đồng thời được phun trộn iốt theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.

Dự án do doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm (nay là Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải) thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển. Doanh nghiệp Thanh Đạm có trách nhiệm thu mua muối của bà con trong xã, làm sạch, xử lý, chế biến muối thô thành muối tinh đạt tiêu chuẩn.

Diêm dân Bạch Long thu hoạch muối thô. Ảnh: Sentour.com.vn

Diêm dân Bạch Long thu hoạch muối thô. Ảnh: Sentour.com.vn.

Quy trình chế biến muối trải qua 6 bước. Trước hết, muối sau khi thu hoạch được vận chuyển về kho nguyên liệu của công ty, sau đó, máy xúc sẽ vận chuyển muối lên băng chuyền để nhặt sỏi, đá. Muối sau khi nhặt sỏi, đá được đưa lên sàn tĩnh rửa để lọc cát. Qua sàn tĩnh, muối được đưa lên tháp rửa ngược để loại bỏ tạp chất nhẹ hơn muối như rong, rêu. Muối đọng lại sẽ đưa vào dây chuyền nghiền tự động.

Sau khi nghiền xong, muối được chuyển vào máy vắt ly tâm tự động, đưa về độ ẩm từ 2,5% đến 3%, sau đó sấy bằng không khí sạch, rồi cho vào máy lọc theo kích thước yêu cầu của khách hàng. Cuối cùng, muối sẽ được chuyển ra đóng gói bao bì sản phẩm theo yêu cầu khách hàng

Tất cả các bước trên đều thực hiện bởi dây chuyền khép kín dựa trên nguyên lý: dùng muối làm sạch muối, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, bảo quản. Nước dùng để làm sạch muối là nước muối bão hòa nên có thể loại bỏ tối đa tạp chất mà không làm tan muối.

Nhằm xây dựng thương hiệu muối sạch Bạch Long trên toàn xã, lãnh đạo cùng với diêm dân Bạch Long cam kết chuẩn hóa từ khâu lấy nước chạt, cào muối, phơi đến khâu vận chuyển. Đầu tiên là mặc đồ bảo hộ khi lao động như găng tay, ủng, mũ, khẩu trang..., sau đó, tất cả các dụng cụ lao động đều được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ngọt trước và sau khi sử dụng để tránh tình trạng bị han, rỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng muối.

Sau những nỗ lực của đông đảo diêm dân và cán bộ Bạch Long, năm 2013, qua kiểm tra chất lượng sản phẩm, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh gia muối hạt sạch của Bạch Long đạt chất lượng cao hơn tiêu chuẩn muối thô Việt Nam TCVN 3973-84; chất lượng muối tinh của dự án cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định. Muối của Bạch Long được công nhận là muối sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định cấp.

Hiện nay, Bạch Long trở thành một xã đi đầu cả nước về sản lượng cũng như chất lượng muối, giá thành muối tăng lên 1,5 lần, thu nhập của diêm dân tăng bình quân 7-8 triệu đồng một ha, cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt. 

Mai Ngân

Chia sẻ bài viết qua email