Hành trình sữa sạch Ba Vì
Tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi, kiểm tra chất lượng sữa thường xuyên, theo sát, hỗ trợ bà con kịp thời là cách để sữa Ba Vì khẳng định lại chỗ đứng trên thị trường.
Nghề nuôi bò sữa xuất hiện ở huyện Ba Vì, Hà Nội từ cách đây hơn 60 năm, bắt nguồn từ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để nuôi và phát triển đàn bò sữa. Từ lợi thế sẵn có, Ba Vì biến nghề này trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực bằng cách xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến sữa với hộ nuôi. Chuỗi liên kết này được hình thành từ năm 2009, khi Công ty cổ phần Sữa Ba Vì và một số doanh nghiệp sữa khác bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu tại đây.
Thời điểm đó, các doanh nghiệp sản xuất sữa đã cùng với Chi cục Nông Lâm địa phương thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy mô hình nuôi bò sữa như hỗ trợ cho vay vốn nuôi bò; phối hợp với trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì tập huấn bà con về kỹ thuật nuôi bò sữa; hỗ trợ bê giống cho 20-30 hộ; cam kết bao tiêu đầu ra cho sữa. Nhờ đó, giai đoạn 2009-2012, đàn bò sữa tại Ba Vì phát triển mạnh, số lượng đàn bò tăng nhanh. Chỉ từ năm 2009 đến 2010, tổng số lượng bò đã tăng gấp đôi với hơn 3.500 con. Cùng với đó, các hộ nuôi mới còn được hỗ trợ một phần chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, xây dựng chuồng trại và máy móc vắt sữa.
Theo thống kê, năm 2015, toàn huyện đã có hơn 9.300 bò sữa. Tuy nhiên, do sự đầu tư chuồng trại, cập nhật kỹ thuật nuôi còn hạn chế dẫn tới khó kiểm soát chất lượng sữa nên sữa nguyên liệu rớt giá. Có thời điểm, giá sữa giảm xuống chỉ còn 6000 -7000 đồng một kg khiến nhiều hộ nuôi không có lãi và bỏ nghề.
Kiểm định chất lượng sữa tại nhà máy sữa Ba Vì. Ảnh: bavimilk |
Để khắc phục tình trạng này, Công ty cổ phần sữa Ba Vì áp dụng chính sách giữ nguyên số lượng hộ chăn nuôi bò đã ký kết cung cấp sữa, định kỳ hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con, hướng dẫn vắt sữa đúng kỹ thuật, sử dụng trang phục bảo hộ để tránh lây nhiễm vi sinh vật vào sữa. Về thức ăn cho bò, bà con được hỗ trợ các loại men ủ, hướng dẫn cách trồng cỏ và tự sản xuất thức ăn theo phương pháp TMR (hỗn hợp thức ăn hoàn chỉnh) giúp bò cho sản lượng sữa chất lượng cao.
Ngoài ra, để tránh nhiễm khuẩn sữa, chuồng trại luôn được đảm bảo khô ráo. Bên cạnh áp dụng các kỹ thuật như chống nóng, rét, ồn cho khu vực chuồng nuôi, các hộ chăn nuôi còn thiết kế hệ thống xử lý chất thải biogas và cho bò tắm nắng để con bò luôn khỏe mạnh, ít bệnh và cho chất lượng sữa cao hơn.
Sau khi thu được sữa, các hộ dân sẽ mang mẫu sữa tới trạm thu mua. Các mẫu sữa này được kiểm định về thành phần và chất lượng qua nhiều tiêu chuẩn quan trọng như hàm lượng chất béo, chất khô, vi sinh, kháng sinh. Bất kỳ mẫu sữa nào phát hiện có lẫn kháng sinh do bò mới được tiêm thuốc sẽ bị trả về. Sau 7-10 ngày, khi kiểm tra mẫu sữa mới hoàn toàn không có kháng sinh thì mới được chấp nhận.
Sau gần 7 năm thực hiện mô hình này, đến nay, Công ty sữa Ba Vì duy trì thu mua sữa đều đặn từ khoảng 300 hộ dân trên tổng số 1.600 hộ nuôi bò toàn huyện. Số lượng bò nuôi mỗi đầu hộ gia đình hiện nay tăng thêm khoảng 1,5 lần so với năm 2009.
Nhờ bám sát chặt từ khâu nuôi, chăm sóc, vắt sữa tới khâu chế biến nên cho chất lượng và nguồn sữa nguyên liệu luôn ổn định. Giá thu mua sữa cũng luôn đạt mức cam kết, giúp các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Giang Tạ