Thứ hai, 13/1/2025
Thứ năm, 16/2/2017, 17:00 (GMT+7)

Doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo

Việc áp dụng thành công mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân của Công ty TNHH Cà phê 721 giúp phương thức sản xuất gieo trồng lúa nước tại huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk đạt kết quả cao.

Để cung cấp cho thị trường những sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, Công ty TNHH một thành viên Cà phê 721 - đơn vị vừa sản xuất vừa chế biến gạo đã đề ra phương án xây dựng cánh đồng mẫu lớn, gieo trồng theo tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Trong số 658 ha đất được Nhà nước giao quản lý, công ty đã dành riêng 254 ha để trồng lúa nước, còn lại là quy hoạch trồng chuyên canh cà phê.

Toàn bộ số diện tích quy hoạch canh tác lúa đều được công ty giao khoán cho người dân. Trước đó, cán bộ chuyên môn sẽ kiểm tra chất lượng đất gieo trồng tại địa phương để lựa chọn các giống lúa phù hợp. Tiếp đến, bà còn được tư vấn, hỗ trợ cung cấp giống, phân bón, vật tư sản xuất dịch vụ.

polyad

Sản phẩm gạo của Công ty TNHH một thành viên Cà phê 721 tại Hội chợ ExPo Cao nguyên 2015. Ảnh: Hiệp hội doanh nghiệp Đăk Lăk.

Trong 2 năm đầu hoạt động, công ty tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ nông dân nhận ruộng 30% lãi suất ngân hàng và cung cấp toàn bộ vật tư sản xuất. Bên cạnh đó, các sản phẩm lúa gạo được gieo trồng trên đất của công ty luôn được trả giá thành cao hơn so với thị trường để khuyến khích người dân. Lúa của bà con được thu mua ngay sau khi thu hoạch. Nhiều hợp tác xã, các hộ gia đình ở những khu vực lân cận cũng chủ động đặt vấn đề tham gia. 

Với mô hình này, doanh nghiệp và người nông dân phải cam kết thực hiện theo kế hoạch chung. Cụ thể, phía doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn HACCP. Người dân khi tham gia đăng ký nhận ruộng phải thực hiện đúng các quy định như lựa chọn giống lúa và tiến hành sản xuất đúng lịch trình; bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng; chỉ sử dụng các sản phẩm nằm trong danh mục cho phép.

Theo thỏa thuận, với mỗi diện tích gieo trồng, người dân sẽ phải trả lại cho doanh nghiệp 22% sản phẩm khi thu hoạch. Đồng thời, toàn bộ sản phẩm lúa gạo của người dân sẽ được mua theo thời giá thị trường hoặc cao hơn một chút.

Sau 2 năm áp dụng mô hình liên kết, sản lượng lúa sau thu hoạch trên diện tích canh tác của công ty đạt trên 3.000 tấn mỗi năm, sản lượng gạo tương đương 2.000 tấn mỗi năm. Đây là thành công bước đầu trong tiến trình phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa doanh nghiệp với người dân.

Thu Ngân

Chia sẻ bài viết qua email