6 đặc sản tiến Vua của người Việt xưa
Chuối ngự Đại Hoàng, gà Hồ, cam Xã Đoài, gà 9 cựa Phú Thọ, bưởi Đoan Hùng hay nước mắm Vạn Phần là những sản vật vùng miền để dâng lên vua chúa thời xưa. Đến nay, nhưng loại đặc sản này vẫn được lưu giữ và phát triển.
Chuối ngự Đại Hoàng
Gọi là chuối ngự vì xưa kia, vua chúa thường dùng món ăn này để tráng miệng sau khi ngự thiện. Ngày nay, giống chuối ngự chỉ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng, ruột vàng ươm, ăn vào thấy vị ngọt dịu.
|
Chuối tiến vua đất Đại Hoàng. Ảnh: Bizmedia. |
Chuối ngự Đại Hoàng được phân bố chủ yếu ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam với diện tích khoảng 100 ha, cho sản lượng 2.300 tấn mỗi năm. Giống chuối ngự thân mềm, dễ gãy đổ do mưa bão nên người trồng phải cắm thêm cột trụ để giữ cây đứng vững. Vào mùa xuân, cây chuối trưởng thành bắt đầu đẻ nhánh ra chuối con. Với mỗi gốc chuối trưởng thành, người nông dân lại cẩn thận chọn lấy một mầm chuối con khỏe mạnh cho sinh trưởng tiếp.
Để buồng chuối có hình thức đẹp, người trồng phải dùng bao tải để bọc kín, tránh gió, rét. Việc làm này cũng giúp quả chuối có màu sắc đồng đều hơn. Đến kỳ thu hoạch, chuối được làm chín đều và đẹp bằng cách ủ với hơi trấu.
Chuối ngự Đại Hoàng.
Gà Hồ Lạc Thổ
Gà Hồ có nguồn gốc ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là giống gà lâu đời, nổi tiếng với mã đẹp, vóc dáng cao, đầu to, mào kép, da cổ đỏ, vảy chân sáng mịn màu vàng trắng, cánh hình vỏ trai. Gà Hồ cho chất thịt thơm ngon đặc biệt, được dâng tiến cho vua chúa thời xưa.
Gà Hồ từng là sản vật tiến Vua của tỉnh Bắc Ninh.
Để bảo tồn giống gà quý, câu lạc bộ nuôi gà Hồ làng Lạc Thổ với sự tham gia của hơn 100 hộ đã chủ động trao đổi con trống định kỳ, tránh thoái hóa giống do giao phối gần. Gà con từ khi ấp nở phải qua 5 lần chọn mới được một con giống có khả năng sinh sản tốt. Hiện nay, trên thị trường, gà Hồ có giá bán trung bình từ 3 đến 4 triệu đồng một con.
Gà Hồ không chỉ làm nên thương hiệu cho tỉnh Bắc Ninh mà còn là một sản vật quý giá của địa phương, giúp người dân vươn lên làm giàu. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về diện tích đất, nguồn vốn nhưng bà con nơi đây luôn cố gắng lưu giữ để giống gà quý hiếm không bị mai một.
Cam Xã Đoài
|
Cam Xã Đoài là một trong những đặc sản tiến Vua nổi tiếng. Ảnh: Bizmedia. |
Giống cam Vinh tiến Vua nổi tiếng là cam Xã Đoài, được trồng chủ yếu tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Hiện nay, vùng đất này còn lại khoảng 110 ha cam Xã Đoài loại 1 được trồng rải rác trong các vườn nhà của hộ dân.
Cam Xã Đoài ra hoa vào mùa đông. Mùa chính bắt đầu từ cuối tháng 9 đến hết tháng 12 Âm lịch. Thời điểm cận Tết, những vườn cam nơi đây nổi bật với từng chùm quả vàng óng, ẩn hiện sau lớp lá xanh. Quả bổ ra có màu vàng như mật ong, khi thưởng thức thấy vị ngọt nhẹ xen dịu mát, tan nhanh trong miệng. Nước cam có độ dính tay, khác hẳn các loại thông thường.
Để bảo tồn giống cam quý, người trồng phải chọn lọc lại các cây giống chất lượng và chỉ thực hiện nhân giống bằng phương pháp chiết cành.
Gà 9 cựa Phú Thọ
Giống gà này được nuôi nhiều tại các xã Văn Luông, Kim Thượng, Xuân Sơn thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ với sản lượng khoảng 20.000 con mỗi năm. Gà được nuôi thả trong môi trường tự nhiên nên sức đề kháng tốt, ít bệnh. Để gây dựng lại giống thuần, người dân tại nhiều địa phương đang lên kế hoạch tập hợp thành các tổ chăn nuôi, bảo tồn giống gà quý.
Gà 9 cựa được mệnh danh là "vua gà" vùng đất Tổ.
Để có con giống tốt, người dân thường chọn gà trống và gà mái khỏe mạnh. Cụ thể, con trống phải to lớn, mào đỏ, lông mượt, chùm đuôi cong như cầu vồng, mắt sáng, nhanh nhẹn, chân đẫy đà, cựa đều. Con mái cũng cần khỏe mạnh, có khoảng 6 cựa.
Với gà con, sau khi nở, chúng được cho uống thuốc phòng bệnh và chuyển sang khu vực nuôi riêng. Thời gian này, gà được cho ăn theo chế độ đặc biệt bằng cám nuôi tiêu chuẩn có hàm lượng đạm vừa phải, rõ nhãn mác và địa chỉ sản xuất. Gà được cho uống nước đun sôi để nguội, tiêm văcxin phòng bệnh và theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Bưởi Đoan Hùng
Địa hình đồi trung du thích hợp với các loại cây ăn quả chịu hạn giúp giống bưởi vỏ mỏng, tép mọng, vị ngọt thanh, chua mát của vùng đất Đoan Hùng, Phú Thọ nổi tiếng khắp nơi.
|
Bưởi Đoan Hùng - loại trái cây đặc sản của vùng đất Phú Thọ. Ảnh: Bizmedia. |
Bưởi Đoan Hùng được thu hoạch vào khoảng tháng 10, tháng 11. Sau khi cắt, người dân sẽ chấm vôi vào cuống để quả tươi lâu hơn, đồng thời, hạn chế các vi khuẩn gây hại xâm nhập. Với phương pháp này, bưởi có thể tươi từ 4 đến 5 tháng mà không cần chất bảo quản.
Cách đây khoảng 10 năm, bưởi Đoan Hùng bị suy thoái do người dân chặt bỏ một diện tích lớn, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, để gìn giữ hương vị thơm ngon của giống quả quý, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với nhiều hộ dân triển khai chương trình phục tráng lại bưởi Đoan Hùng, gắn loại cây đặc sản với giá trị kinh tế bền vững cho người trồng. Theo đó, người dân chỉ tiến hành nhân giống bưởi bằng phương pháp chiết cành. Huyện Đoan Hùng hiện nay có khoảng 1.062 ha bưởi, cho sản lượng 6.000-7.000 tấn quả mỗi năm.
Nước mắm Vạn Phần
Tương truyền, ông tổ của nghề nước nắm tại Vạn Phần (xưa kia là Kẻ Vạn) Diễn Châu, Nghệ An là cụ Phạm Kiểng. Cụ có những xưởng làm nước mắm lớn với nhiều loại khác nhau, trong đó nước mắm đầu nỏ được dùng để tiến Vua.
Nguồn nguyên liệu chủ yếu để làm mắm Vạn Phần là cá cơm, cá mòi, cá nục… Thời gian ướp hỗn hợp cá và muối (chượp) được thực hiện từ một đến 3 năm. Sau khi quá trình lên men hoàn tất, hàm lượng protein trong dung dịch chượp thường đạt 20-26 độ đạm một lít.
Với mỗi mẻ chượp, người làm có thể tiến hành chắt nước mắm tới 3 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày. Sau cùng, sản phẩm nước mắm sẽ được phối trộn và phân thành các loại theo độ đạm. Nước mắm chất lượng cao nhất được sản xuất sau thời gian để trong chum 3 năm, lúc này hàm lượng protein đạt 35 độ đạm trong một lít. Trong thời gian ngâm ủ, nước đầu chảy ra từ chượp được gọi là nước mắm cốt, độ đạm cao, màu vàng rơm, hương vị thơm ngon nhất.
Ngày nay, nước mắm truyền thống được nhiều đơn vị sản xuất như Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thu Giang