Nhiều thói quen không tốt khiến não bộ bị ảnh hưởng, hoạt động không nhanh nhạy, kém minh mẫn, giảm khả năng ghi nhớ... Trong đó ngồi quá nhiều, ít giao tiếp, ngủ không đủ giấc và căng thẳng mạn tính là những lý do thường gặp.
Chỉ cần thay đổi một trong những thói quen dưới đây có thể giúp bạn thay đổi cách hoạt động của não. Ngay cả những người có vấn đề về trí nhớ, thay đổi các thói quen có hại cũng rất có ích.
Ngủ ít
Ngủ không đủ giấc có thể là một trong những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Nghiên cứu trên tạp chí Sleep cho thấy, các kỹ năng nhận thức chẳng hạn như trí nhớ, lý luận và giải quyết vấn đề suy giảm khi mọi người ngủ ít hơn bảy giờ mỗi đêm. Tốt nhất bạn nên có giờ ngủ đều đặn. Nếu thường xuyên bị trằn trọc, bạn nên tránh uống rượu, caffeine và sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Bạn có thể đi ngủ sớm hơn bình thường một tiếng để giảm thức khuya, cho não và cơ thể bạn thêm thời gian để ngủ đủ giấc. Nếu thức dậy giữa đêm, bạn có thể dành thời gian thư giãn như đọc sách nhưng cần tránh xem TV, các thiết bị điện tử vì những thứ này có thể gây kích thích, khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ trở lại.
Ngồi quá nhiều, không tập thể dục
Trung bình người lớn ngồi khoảng 6,5 tiếng mỗi ngày và thời gian ngồi trên ghế này có ảnh hưởng đến não bộ. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Plos One (Mỹ) cho thấy, ngồi quá nhiều có liên quan đến những thay đổi về khả năng ghi nhớ của não.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh quét MRI để xem xét thùy thái dương trung gian (MTL), một vùng não tạo ra những ký ức mới ở những người 45-75 tuổi. Sau đó, họ so sánh kết quả quét với số giờ trung bình mỗi ngày mà mọi người ngồi. Những người ngồi lâu nhất có vùng thùy thái dương trung gian mỏng hơn. Theo các nhà nghiên cứu, thùy thái dương trung gian mỏng đi có thể là dấu hiệu báo trước của sự suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
Bạn nên vận động sau 15 đến 30 phút ngồi, có thể đặt hẹn giờ liên tục trên điện thoại và thực hiện theo lời nhắc. Người lười tập thể dục cũng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và huyết áp cao. Tất cả đều có thể liên quan đến bệnh Alzheimer. Bạn có thể tập thể dục thường xuyên, ít nhất 3 ngày một tuần. Các bài tập vừa đơn giản, vừa có tác dụng gồm có chạy marathon nửa giờ trong vườn hoặc đi bộ nhanh quanh khu phố.
Căng thẳng kéo dài
Căng thẳng mạn tính có thể giết chết các tế bào não và thu nhỏ vỏ não trước trán, khu vực chịu trách nhiệm về trí nhớ và học tập. Căng thẳng mạn tính có mối liên quan đến các bệnh tâm thần khác như trầm cảm, tâm thần phân liệt; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer.
Do đó, khi bạn cảm thấy buồn bã, căng thẳng, hãy hít thở sâu và tự trấn an bản thần rằng vẫn ổn, tìm cách để thư giãn, giảm căng thẳng trước khi nó vượt mức kiểm soát.
Hút thuốc lá
Hút thuốc là làm cho trí nhớ kém đi và gây ra nguy cơ mắc các bệnh mất trí nhớ cao gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hút thuốc ảnh hưởng tiêu cực đến tính toàn vẹn cấu trúc của các vùng não dưới. Họ cũng phát hiện ra rằng những người hút thuốc so với người không hút thuốc bị mất khối lượng não liên quan đến tuổi tác nhiều hơn ở một số khu vực của não. Nó cũng góp phần gây ra bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và huyết áp cao.
Thiếu giao lưu
Thiếu kết nối xã hội, cô đơn có liên quan đến trầm cảm, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn và đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu vào tháng 7/2021 trên tạp chí Lão khoa của Mỹ cho thấy, những người ít hoạt động xã hội mất nhiều chất xám của não hơn.
Duy trì tương tác xã hội trong bối cảnh Covid-19 có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, bạn không cần phải tương tác với quá nhiều người, có thể tìm hai hoặc ba người mà bạn có thể chia sẻ bất cứ điều gì. Tương tác có thể giúp kích thích tinh thần, dù chỉ với một vài người bạn thân cũng giúp bạn hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn. Vì vậy, hãy chọn những người bạn quan tâm và những người quan tâm đến bạn.
Nghe âm thanh lớn
Bạn có thể làm hỏng thính giác nếu đeo tai nghe và vặn ở mức tối đa. Mất thính giác ở người lớn tuổi có liên quan đến các vấn đề về não, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và mất mô não. Điều này có thể là do bộ não phải làm việc rất nhiều để hiểu những thứ được nói đến và gặp khó khăn để lưu trữ những gì bạn đã nghe vào bộ nhớ. Bạn nên giảm âm lượng xuống, không lớn hơn 60% âm lượng tối đa của thiết bị và không nghe liên tục trong vài giờ.
Kim Uyên (Theo WebMD, Harvard Health)