Ngày 9/7, PGS.TS Triệu Triều Dương, Giám đốc chuyên môn Ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, thêm rằng dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở tất cả cơ quan của cơ thể, trong đó thường gặp là dị tật đường tiêu hóa như thoát vị bẹn, nang ống mật chủ, hẹp hậu môn...
Thoát vị bẹn là dị tật bẩm sinh phổ biến nhất trong các loại thoát vị thành bụng, theo phó giáo sư Dương. Đây là tình trạng một trong các tạng ổ bụng rời vị trí, chui qua ống bẹn xuống bìu làm tăng áp lực chỗ thoát vị. Khối thoát vị to ra khi đi lại, vận động mạnh, gây ra biến chứng nguy hiểm khi ruột sa xuống chèn ép các cơ quan trong khoang bụng, dẫn tới hoại tử ruột. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên, tỷ lệ thoát vị bẹn bên phải nhiều hơn bên trái.
Hầu hết trường hợp thoát vị bẹn thường có biểu hiện sớm, phụ huynh dễ nhận biết trong quá trình chăm sóc trẻ. Số ít trường hợp phát hiện muộn khi ở tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành. Bệnh thoát vị bẹn có thể nhận biết khi trẻ xuất hiện khối u phồng ở vùng bẹn. Nếu trẻ nằm yên rất khó phát hiện vì khối thoát vị chui về ổ bụng, vùng bẹn trở về trạng thái bình thường. Kích thước khối u phồng tăng lên khi trẻ vận động mạnh, chạy nhảy, ho, quấy khóc hoặc rặn.
Cha mẹ có thể quan sát thấy khối thoát vị chuyển động dọc theo ống bẹn khi trẻ chạy nhảy. Khối thoát vị sờ thấy ở dạng khối mềm, nắn không đau. Bệnh nặng lên khi khối thoát vị bị nghẹt, không trở lại ổ bụng khiến cho u phồng sưng đau. Các cơn đau quặn dữ dội, bụng trướng khiến trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa, nôn hoặc buồn nôn, quấy khóc...
Theo phó giáo sư Dương khi trẻ vừa chào đời, phụ huynh có thể kiểm tra các dấu hiệu bất thường trong quá trình chăm sóc để sớm phát hiện dị tật thoát vị bẹn. Tiến bộ trong chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện các dị tật đường tiêu hóa, từ đó gia đình theo dõi, chủ động khám và lựa chọn thời điểm thích hợp tăng hiệu quả điều trị.
Thoát vị bẹn được phát hiện sớm, phẫu thuật và chăm sóc đúng cách có thể khỏi hoàn toàn, ít ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng, hạn chế tái phát. Bệnh không phát hiện sớm, chẩn đoán chậm, điều trị muộn, trẻ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng như nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn tiêu hóa, chậm lớn, táo bón, không thể đi đại tiện, xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, ảnh hưởng tính mạng.
Đơn cử bé Minh, 3 tuổi, ngụ Lạng Sơn, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám do khoảng một tháng gần đây trẻ có khối phồng vùng bẹn phải. Khối phồng ngày một to hơn kèm theo đau, trẻ khó khăn khi vận động mạnh. Kết quả siêu âm bụng, X-quang ngực và bộ xét nghiệm phẫu thuật tiêu hóa cho thấy trẻ bị thoát vị bẹn bên phải.
Tương tự, bé Trí, 2 tuổi, ngụ Hà Nội, xuất hiện khối phồng vùng bẹn bên phải từ lúc 6 tháng tuổi. Khối phồng tăng kích thước khi trẻ khóc, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày nên gia đình lựa chọn theo dõi. Khi khối phồng tăng kích thước, gia đình đưa Trí đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Kết quả siêu âm của bé có khối thoát vị bẹn bên phải.
Cả hai bé Trí và Minh đều được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật thắt ống phúc tinh mạc. Bác sĩ đưa ống nội soi, các dụng cụ qua đường rạch rất nhỏ ở vùng bụng để thực hiện thắt ống phúc tinh mạc, giảm tối đa nguy cơ tái phát và biến chứng cho trẻ. Đây là kỹ thuật sử dụng thường quy ở hầu hết trường hợp nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Theo phó giáo sư Dương, thoát vị bẩm sinh có thể chờ ống phúc tinh mạc tự bít. Phương pháp phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở được lựa chọn trong điều trị cho trẻ nhỏ, người lớn tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Lục Bảo
20h ngày 9/7, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Những dị tật bẩm sinh ở trẻ em và người lớn" phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ của bệnh viện tham gia gồm TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương, TTND.PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, TS.BS Nguyễn Anh Dũng. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được tư vấn.