Kết quả siêu âm vào tháng 7 ghi nhận u buồng trứng nhưng không có dấu hiệu giống bị xoắn nên Thy chỉ theo dõi tại một bệnh viện ở TP HCM. Đầu tháng 8, Thy vẫn đau bụng, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 9/8, BS.CKI Nguyễn Quang Nhật, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết u buồng trứng phải kích thước 6x9x7 cm, xoắn thành nhiều vòng, hoại tử, tiết dịch. Nếu phát hiện sớm bác sĩ có thể phẫu thuật tháo xoắn kịp thời cứu buồng trứng. "Do phát hiện quá muộn nên bệnh nhân không có cơ hội được điều trị bảo tồn buồng trứng", bác sĩ Nhật nói. Ê kíp cắt bỏ buồng trứng bên phải cho bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy u lành tính. Người bệnh khỏe mạnh, xuất viện sau ba ngày.
Xoắn buồng trứng khiến buồng trứng không còn được nuôi dưỡng và dẫn tới hoại tử. U buồng trứng có thể xoắn do thể tích lớn, nặng, dây chằng buồng trứng dài... Khi u xoắn, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng đau bụng đột ngột, da niêm xanh xao, buồn nôn và nôn, sốt...
7 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân có u buồng trứng bị xoắn đến viện trễ. Thy là trường hợp nhỏ tuổi nhất, mất một bên buồng trứng, tương lai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Nguyên nhân u buồng trứng bị xoắn đến nay chưa rõ. Những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành u này gồm mang thai, lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng vùng chậu, tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị mang u nang.
U buồng trứng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, diễn biến âm thầm, không triệu chứng. Người bệnh có thể phát hiện tình cờ khi khám phụ khoa, siêu âm khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tự sờ thấy u trên bụng hoặc đau bụng kéo dài, đột nhiên thay đổi thói quen tiểu tiện. Khi khối u to chèn ép gây ra dấu hiệu thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện, táo bón.
U buồng trứng có thể phân loại thành các nang cơ năng và các nang thực thể. Bác sĩ chẩn đoán phân biệt dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh có u buồng trứng dạng thực thể (u nang biểu mô, u nang bì) cần phẫu thuật. Nếu nang cơ năng - một loại nang xuất hiện tại buồng trứng chứa dịch ở bên trong, thường xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng thì không cần mổ. Bác sĩ sẽ hẹn người bệnh tái khám, siêu âm sau khi sạch kinh nguyệt.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ nên khám sức khỏe hàng năm, nhất là ở tuổi dậy thì để kịp thời kiểm tra các bệnh phụ khoa có thể mắc phải. Nếu bé có triệu chứng đau bụng dưới âm ỉ, đau bụng đột ngột tăng dần, nôn ói, bụng to, táo bón cần khám ngay.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |