Gan đảm nhận các chức năng như đào thải độc tố, sản xuất dịch mật để tiêu hóa thức ăn, cung cấp năng lượng và dự trữ vitamin, khoáng chất... giúp cơ thể khỏe mạnh.
Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết gan thích nghi với chu kỳ ngủ - thức của cơ thể và điều chỉnh hoạt động phù hợp. Ban ngày gan hoạt động, về đêm giảm hoạt và co lại kích thước.
Thức khuya khiến gan nhầm lẫn nhịp sinh học của cơ thể, làm rối loạn chức năng gan do tăng sinh phản ứng oxy hóa, sản sinh nhiều chất trung gian độc hại, kích hoạt tế bào kupffer. Kupffer là đại thực bào nằm trong xoang gan, có nhiệm vụ xử lý các vi khuẩn, hồng cầu già chết tạo phản ứng miễn dịch. Khi tế bào kupffer được kích hoạt sẽ phóng ra các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, interleukin... Các chất này hủy hoại các tế bào, làm suy giảm vai trò của gan.
Thức khuya dẫn đến thiếu ngủ vào sáng hôm sau, tạo áp lực lên gan do phải làm việc nhiều hơn, nếu kéo dài khiến cơ quan này dễ suy yếu. Thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu giấc còn gây thiếu hụt lượng máu trong gan, tổn thương tế bào và rối loạn chức năng gan. Những người mắc bệnh gan thiếu ngủ, mất ngủ có thể khiến bệnh trầm trọng.
Nghiên cứu trên 9.150 người tại Iran, trong đó có 1.320 người bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, năm 2023, ghi nhận những người bệnh có các đặc điểm như thời gian ngủ ngắn hơn, thức dậy và đi ngủ muộn hơn, chất lượng giấc ngủ kém, ngủ trưa thường xuyên, sử dụng thuốc ngủ... Kết quả cho thấy những người ngủ ít vào ban đêm và ngủ trưa kéo dài có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao nhất. Mối quan hệ giữa hiệu quả giấc ngủ và vấn đề gan nhiễm mỡ không do rượu biểu hiện rõ ở người trên 40 tuổi.
Theo bác sĩ Nam, người già thường khó ngủ do các vấn đề về tuổi tác, thay đổi cơ thể. Trong khi đó, nguyên nhân khiến người trẻ thường thức khuya chủ yếu do lối sống sinh hoạt không khoa học như sử dụng điện thoại, máy tính quá nhiều, dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia...
Người bệnh mất ngủ cần thay đổi lối sống lành mạnh, vừa giúp ngủ ngon vừa nâng cao sức khỏe. Không nên thức khuya, thay vào đó đi ngủ và thức giấc vào cùng khung giờ mỗi ngày để tạo nhịp sinh học tốt.
Không đi ngủ khi bụng quá đói hay quá no, không hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê... trước khi lên giường. Thư giãn đầu óc, tạo môi trường yên tĩnh, giữ phòng đủ tối, tránh xa các thiết bị điện tử, có thể tắm nước ấm, thư giãn bằng thiền, yoga. Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng mang lại lợi ích cho giấc ngủ. Nên ngủ trưa sau bữa ăn 10-20 phút và ngủ trước 15h để không ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối. Thời lượng lý tưởng cho giấc ngủ trưa khoảng 20-30 phút.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |