Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM, số lao động chọn nhận trợ cấp một lần có quá trình tham gia bảo hiểm trên 10 năm tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2015, cơ quan này giải quyết gần 75.000 hồ sơ, trong đó hơn 8.200 người đóng bảo hiểm xã hội trên 10 năm, chiếm tỷ lệ 11%. Năm 2018, tỷ lệ này là gần 19% với gần 18.000 người.
Năm 2019, tỷ lệ người đóng bảo hiểm trên 10 năm rút một lần tăng lên 21%, với hơn 20.000 người; năm 2020 trên 22% với số người nhận gần 25.000. Từ đầu năm 2021 đến nay, Bảo hiểm xã hội TP HCM chi trả chế độ trợ cấp một lần cho hơn 148.000 người, trong đó có hơn 23.000 người tham gia bảo hiểm trên 10 năm. Không ít trường hợp chỉ còn thiếu 1-3 tháng là đủ 20 năm.
Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là BHXH đang còn tồn tại nhiều bất cập, không đủ sức hút với người lao động, cách tính còn nhiều thiệt thòi cho người tham gia. Hiện nay, mức đóng tối thiểu còn thấp, đặc biệt thời gian để được hưởng lương hưu lại dài, mức lương được hưởng khi về hưu cũng không đủ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người tham gia (do cách tính phần trăm mức hưởng chưa phù hợp)
Nếu ai làm trong cơ quan nhà nước thì mức đóng tương xứng với mức lương thực tế. Còn những người lao động như chúng tôi, làm trong doanh nghiệp, nên chẳng có nơi nào đóng đúng, đóng đủ cho nhân viên cả. Phần lớn các doanh nghiệp được tư vấn để làm sao đóng BHXH cho người lao động ở mức thấp nhất. Bởi vậy, tính theo bình quân gia quyền của toàn bộ quá trình đóng thì mức hưởng cực thấp, nhất là những người đóng từ những năm mà lương tối thiểu chỉ có 200.000 đồng một tháng.
>> Tôi không rút BHXH một lần dù biết mình bị thiệt trước mắt
Như vậy, nếu tính theo tỷ lệ 45% của khoảng hai triệu đồng một tháng thì đúng là người lao động không đủ để sống bằng lương hưu, chứ chưa nói đến tiền chăm sóc y tế khi ốm đau, bệnh tật lúc về già. Nhất là giờ chúng ta lại đang tính đến chuyện tăng giờ làm thêm.
Nói cách khác, với kiểu đóng BHXH, quy định tuổi lao động và mức lĩnh tối thiểu (45% trung bình mức đóng BHXH với 18 năm) như bây giờ, thì người lao động cho khối doanh nghiệp tư nhân như tôi chắc chắn sẽ chọn lĩnh một cục luôn, rồi lấy tiền đó về mua Bảo hiệm nhân thọ. Hiện nay, người lao động không thỏa thuận được về mức đóng (vì còn phụ thuộc vào hệ số cấp bậc, mà chắc chắn là không thể vượt quá ông Giám đốc công ty).
Tôi chỉ mong sao, chúng ta thay đổi cách tính mức hưởng BHXH và thay đổi cách đóng theo đúng thu nhập thực tế của người lao động, hoặc cho phép người lao động thỏa thuận mức đóng với chủ doanh nghiệp, không có hạn chế là phải thấp hơn cấp quản lý. Có như thế, người lao động mới không bị thiệt và tích cực tham gia BHXH. Bên cạnh đó, cũng nên cho phép người tham gia BHXH được linh động tuổi lĩnh hưu trí bằng số năm tham gia, thay vì bó buộc theo tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
>> 23 năm 'hái quả ngọt' vì không rút BHXH một lần
Cụ thể, theo tôi, có một số giải pháp có thể áp dụng để người lao động ở lại với BHXH, rất mong được các cơ quan quản lý xem xét và cân nhắc tính toán:
1. Chính sách BHXH phải làm sao để người lao động hưởng lương thực lĩnh thế nào thì doanh nghiệp đóng đúng như thế.
2. Nâng số phần trăm lĩnh tối thiểu lên mức 50% và trần là 75%. Nếu đóng nhiều hơn 30 năm thì cứ mỗi năm đóng được công thêm 2% nhưng không quá 85%.
3. Lương làm thêm giờ, phụ cấp chức vụ không phải đóng bảo hiểm.
4. Chỉ cần đóng tối thiểu 10 năm là có thể được nghỉ hưu nếu đủ tuổi.
5. Cho người lao động nghỉ thứ bảy với tất cả thành phần lao động trong xã hội, không kể là công chức, viên chức hay người lao động tự do. Nếu phải đi làm thứ bảy thì coi đấy là làm thêm giờ và được tính lương là 150-200% như ngày nghỉ lễ thông thường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.