Nhiều người cứ nghĩ rút Bảo hiểm Xã hội (BHXH) một lần là được một cục tiền, rồi đem gửi ngân hàng sinh lời. Nhưng vài trăm triệu đồng đó, bạn tiêu loáng một cái là hết, nói gì đến gửi tiết kiệm.
Khi còn sức khỏe lao động kiếm tiền thì không nên rút một lần. Chỉ những người không hiểu đúng bản chất của BHXH mới chỉ quy ra tiền trước mắt như vậy. (Ở đây chưa bàn đến trường hợp những người vì rủi ro, bức bách cuộc sống nên phải rút tiền).
BHXH là cách chia sẻ rủi ro và gánh vác việc chăm lo cho người già cùng xã hội, nghĩa là lấy của người trẻ - còn sức lao động đóng tiền vào để nuôi người mất sức lao động. Nếu ai cũng đóng rồi sợ mất tiền, không chờ hưởng lương hưu được, cứ rút một lần trong khi còn sức lao động, thì tiền đâu nuôi mấy người già khác? Đó là một vòng luẩn quẩn không có hồi kết.
Cuộc sống vốn vô thường, không biết ngày mai thế nào, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này, vì vậy tư tưởng "tiền ai nấy giữ" cũng chưa chắc đã là lựa chọn tốt nhất. Trong khi nếu tham gia vào BHXH, tiền đó của ta sẽ giúp ích được cho xã hội rất nhiều trong việc gánh vác những người già khác. Khu tôi ở toàn dân hưu trí, có hai bác lớn tuổi nhất đến nay đã nhận lương hưu được 20 năm rồi. Vậy theo cách tính thiệt hơn thì họ lời hay lỗ? Tôi không hiểu sao nhiều người cứ quanh quẩn với suy nghĩ mình sẽ đoản mệnh nên chăm chăm rút tiền ra tiêu thay vì đợi lương hưu. Tại sao chúng ta không suy nghĩ tích cực, hướng tới mục tiêu để BHXH nuôi mình?
>> Từ bỏ lương hưu sau 14 năm đóng Bảo hiểm
Mẹ tôi cũng tham gia BHXH, giờ cứ mỗi lần có tiếng chuông điện thoại thông báo có lương hưu là và rất vui, vì nghĩ không còn đi làm mà vẫn có lương để sống. Trước kia, mỗi tháng, bà để dành được vài trăm nghìn đồng tiền lương hưu, thế mà đến giờ để ra được hẳn ba, bốn triệu đồng mỗi tháng. Mẹ tôi đã lĩnh lương hưu được sáu năm nay rồi, so với mức đóng từ hồi những năm 90 thì đó thực sự là một khoản lời, chứ bỏ ngân hàng có khi cũng đem ra xài hết. Giờ già rồi, đâu còn làm ra tiền nữa, có lương hưu nên bà cảm giác mình được xã hội nhớ đến, quan tâm, lâu lâu còn được các cơ quan đoàn thể hỏi thăm, quà biếu. Thử hỏi nếu không có chế độ hưu trí như vậy, liệu mấy người biết đến bạn là ai, sống thế nào?
Trong khi đó, bác tôi năm nay gần 60 tuổi, đã rút BHXH một lần và xài hết toàn bộ số tiền đó chỉ sau vài năm. Đến giờ, bác lại phải đi làm lung tung đủ thứ việc để trang trải cuộc sống tuổi già, nuôi cháu. Mẹ tôi trước kia cũng từ có ý định rút một cục như vậy nhưng tôi khuyên can, nên giờ bà có thể sống khỏe nhờ lương hưu, mỗi lần tăng vài trăm nghìn đồng cũng đủ khiến bà vui cả ngày. Xét cho cùng, tuổi già cũng đâu tốn kém nhiều chi phí như hồi trẻ, tiền cũng chỉ một là để dành, hai là cho con cháu dịp nọ dịp kia, nên đâu cần phải ôm một cục tiền trong tay?
>> 'Lương hưu không theo kịp giá xăng'
Theo tôi, rút BHXH một lần chính là kiểu ăn xổi. Nhiều người nói "lấy một cục tiền, ra đầu tư vào cái khác sinh lời tốt hơn". Nhưng nói thật, nếu giỏi đầu tư, tôi tin bạn đã không nghèo đến mức phải sống bằng tiền một cục từ bảo hiểm như vậy, phải không?
Sự thật là người dân mình đa số còn chưa biết quản lý tài chính, nếu có một số tiền lớn trong tay, chúng ta rất dễ tiêu pha hết trong vòng một, hai năm. Thế nên, tại sao không để BHXH giữ hộ ta khoản tiền đó? Nếu bạn đủ bản lĩnh, hãy tạo thêm một dòng tiền khác. Tôi nghĩ đơn giản thôi, nếu lúc trẻ không có khả năng tạo ra nhiều tiền, nhiều khoản thu nhập thì không có lý do gì tự nhiên về già bạn lại có nhiều tiền chỉ bằng cách rút BHXH một lần rồi mang đi đầu tư.
Tóm lại, BHXH là khoản thu nhập hỗ trợ mức sống tối thiểu, để chi trả cho ba bữa cơm và các chi phí sinh hoạt cơ bản khác cho người già. Thế nên, đừng bắt nó phải nhiều như lương lúc ta còn trẻ nhận được, hay đòi hỏi lương hưu phải chi phí đủ cho toàn bộ nhu cầu cuộc sống như thời thanh xuân. Nếu giữ suy nghĩ như vậy thì chắc chắn BHXH sẽ không bao giờ là đủ cả.
Với tôi, BHXH chính là thanh xuân của bạn, nên nếu bỏ lỡ rồi, bạn sẽ không thể tích lũy lại được đâu. Thế nên, nếu không bức bách đến mức thiếu tiền ăn hằng ngày, tôi khuyên các bạn hãy cố gắng bảo lưu BHXH. Đừng dại rút hết một lần rồi mất hết, bạn sẽ không có lại 20 năm nữa để tích lũy đâu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.