Tôi là tác giả bài viết "23 năm 'hái quả ngọt' vì không rút BHXH một lần". Trước những ý kiến phản hồi của bạn đọc, tôi xin kể tiếp câu chuyện hưởng trợ cấp BHXH một lần của mình để làm rõ hơn quan điểm của bản thân:
Cùng đợt tinh giản biên chế bộ máy ở cơ quan vợ tôi cũng có năm người khác. Trong đó, có ba người chọn lĩnh BHXH một lần, chỉ có vợ tôi và một chị nữa đề nghị được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Kết cục, đến nay, ba người lĩnh một lần đều có cuộc sống rất chật vật. Mỗi lần gặp mặt tại cơ quan cũ, họ đều lặp đi lặp lại câu "biết thế", "giá mà"... Giờ đây, không có lương hưu, họ đều phải sống dựa vào tiền chu cấp của con cái, có việc gì cũng phải ngửa tay xin con.
Chính vợ tôi lúc đó cũng có suy nghĩ "nếu có tiền một cục, sẽ mua cho con cái TV, cái tủ lạnh, tổ chức một bữa ăn thật thịnh soạn... còn lại làm vốn buôn bán này kia. Mấy chị ở cùng cơ quan vợ tôi thì đã tranh thủ mua sợi dây chuyền vàng để diện. Cũng may, khi đó, tôi không cả nể, nếu không có lẽ giờ hoàn cảnh của vợ chồng tôi cũng như họ. Thỉnh thoảng, ngồi nhắc lại chuyện xưa, vợ tôi lại cười ngượng.
Tôi không khẳng định chờ đợi hưu trí là quyết định tốt nhất cho mọi người. Nhưng với cá nhân vợ chồng tôi, khi đứng trước sự lựa chọn giữa hai phương án, tôi sẽ lựa chọn phương án ít rủi ro hơn.
Thực ra, khi quyết định tiếp tục đóng BHXH, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, hai vợ chồng và hai con tôi phải đi thuê trọ để ở. Thậm chí, nhà còn không có giường riêng cho hai vợ chồng, chỉ có một cái chõng tre cũ gãy chân, phải kê bằng gạch cho hai con nằm vì lo con nằm đất dưới đất dễ sinh bệnh... Chúng tôi ăn bo bo, hạt mạch, củ mì, khoai lang... còn cơm để phần cho con cái. Bây giờ, hai vợ chồng già ngồi ôn lại những chặng đường đã qua, đôi khi chúng tôi cũng không hiểu tại sao ngày đó cả gia đình có thể vượt qua được khó khăn, khổ sở, thiếu thốn như vậy.
>> Chọn số năm đóng BHXH để nhận lương hưu
Có một ý nghĩ sai lầm rằng những người không rút BHXH một lần như chúng tôi là thụ động, "nằm yên chờ lương hưu". Thực ra hoàn toàn không phải vậy. Chúng tôi không thể sống chỉ trông chờ vào chế độ hưu trí. Ngay lương lúc đang làm việc cũng không đủ sống nên chẳng có lý do gì chúng tôi cứ nằm yên chờ đợi lương hưu. Chúng tôi có sức lao động, mà sức lao động là hàng hóa (hàng hóa đặc biệt), vậy thì phải lao động để tạo ra của cải (tiền). Có thể lao động bằng cơ bắp (bốc vác hàng hóa), lao động bằng trí óc (buôn bán), lao động bằng "nghệ thuật" (thuyết phục bạn hàng)...
Từ năm 1998 đến nay, vợ chồng tôi làm đủ nghề, chủ yếu là buôn bán nhỏ. Chúng tôi mua vào ở chỗ người chán, mang đến bán cho người thèm. Tôi từng đóng vải ở chợ Soái Kình Lâm ra giao ở chợ Ninh Hiệp, Hà Nội; mua cau ở Nha Trang đưa ra Bắc Ninh bán; mua trà khô ở Bắc mang vào Sài Gòn giao; lên Lạng Sơn đóng hàng đưa về Hà Nội; lấy thuốc lá ra Bắc bán... Nói chung, chúng tôi làm tất cả những gì có thể ra tiền, miễn là không vi phạm pháp luật.
Nhờ những nỗ lực đó, năm 2008, vợ chồng tôi mua được mảnh đất mặt tiền đường ở quận trung tâm TP HCM, thanh toán bằng vàng (240 lượng). Các con tôi sau đó đều tốt nghiệp đại học và sau đại học, kiếm được việc làm tốt ở Sài Gòn. Vợ chồng tôi năm nay đã 70 tuổi rồi nhưng vẫn lao động cật lực vì còn sức. Nói vui chứ cơ ngơi của chúng tôi và các con có lẽ là mơ ước của nhiều người Sài Gòn.
Nói vậy để thấy, mỗi người sống trong xã hội đều có thể phát triển và tận dụng tối đa các lợi thế trong quốc gia đó (văn hóa, công việc, phúc lợi xã hội...). An sinh xã hội trợ giúp những người dễ dàng bị tổn thương như trẻ em, người tàn tật, người già yếu, người mất sức lao động, người bệnh, người thất nghiệp... Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một nguồn an sinh xã hội.
BHXH là sự thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động, tử tuất... trên cơ sở người lao động đã đóng góp tiền vào quỹ BHXH. Quỹ BHXH được đầu tư để phát triển, chi cho quản lý quỹ, dự phòng rủi ro, lấy số nhiều bù đắp cho số ít.
Hiện tại, người lao động đang có tâm lý "tôi đóng góp bao nhiêu thì BHXH phải trả lại tôi bấy nhiêu". Đó là tư duy tát cạn. Ý nghĩa của BHXH không phải như vậy. Một xã hội ổn định (hay gọi đúng hơn là văn minh) là khi có nhiều người tham gia BHXH và được hưởng lương hưu trí.
Một tư tưởng rất sai lầm nữa của nhiều người lao động là nghĩ bản thân dư thừa rồi mới tham gia đại vào quỹ BHXH để chờ đợi đến ngày được hưởng lương hưu. Nếu có tính toán khoa học và có mục đích rõ ràng, bạn sẽ thấy rất nhiều lợi ích của BHXH. Trong đó, giá trị rõ ràng nhất là khi bạn già yếu, ốm đau, không lao động được nữa, vẫn sẽ có một khoản tiền cố định hàng tháng để giúp chi tiêu cho mình. Người thân của chúng ta sẽ không phải gánh vác, bao nuôi gì cả
Lương hưu được hưởng hợp pháp, vậy tại sao không vui sướng với nó? Như gia đình tôi, suốt tám tháng trời Sài Gòn đóng chặt cửa xã hội vì dịch bệnh, chúng tôi hầu như không buôn bán được gì. Vậy nhưng chúng tôi vẫn bình tâm ở yên trong nhà nhờ có lương hưu. Đối với chúng tôi, có lẽ sẽ không có chữ "giàu", nhưng quan trọng là đủ xài.
Tôi quan niệm, đời người như cuộc chạy marathon đường dài. Không quan trọng ở quãng đường xuất phát, cũng không quan trọng thời gian nhanh hay chậm, điều cần nhất là bạn có thể về được đích với quãng đường dài nhất hay không? Cứ đi mãi, bền bỉ, kiên trì... rồi sẽ đến đích.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.