Những người rút BHXH một lần thực chất đa số không có mức lương cao, công việc thì bấp bênh, đặc biệt là sau đại dịch, hoặc họ tính toán không thể đóng đủ 25 năm theo quy định... Nhiều bạn trẻ đi làm, công nhân, hay giáo viên còn không có nổi mức lương 5 triệu đồng một tháng. Có hàng vạn câu chuyện như thế, không chỉ là họ rút ra để tiêu xài mà không nghĩ đến tương lai. Không thể nói ai rút bảo hiểm xã hội một lần cũng là "đem tuổi già ra tiêu xài".
BHXH xét cho cùng cũng chỉ là một kênh tài chính, và có những người không chờ nổi đến tuổi 65 để lấy lương hưu. Thế nên, phải hiểu gốc rễ lý do nhiều người rời bỏ BHXH để đánh giá và có những điều chỉnh hợp lý, từ đó giữ chân người lao động ở lại. Nếu không muốn tuổi già ăn bám thì mỗi người phải có kế hoạch về tài chính ngay từ lúc trẻ. Có nghĩa là bạn đã phải có một khoản đầu tư, tiết kiệm nào đó cho tuổi già ngay từ bây giờ.
BHXH thực ra là rất tốt, nhưng vấn đề là tiền quỹ BHXH được xử lý, vận hành, sinh lời thế nào cho người đóng thì nhiều người chưa rõ. Chính điều đó khiến họ muốn rút hết về một lần để tự tay đem gửi tiết kiệm hoặc đầu tư gì đó, thậm chí tiêu xài luôn.
Có người lo lắng "hệ số trượt giá của BHXH không theo kịp với tình hình lạm phát thực tế" nhưng tôi không nghĩ như vậy. Bằng chứng là thế hệ bố mẹ chúng ta ngày trước đi làm đóng BHXH rất ít, nhưng lương hưu được lĩnh bây giờ ít nhất cũng được dăm bảy triệu đồng một tháng - con số không hề nhỏ chút nào. Chắc chắn, chính sách lương hưu thay đổi sẽ phần nào tạo ra gánh nặng cho thế hệ sau. Thế hệ của tôi và các bạn đang phải ''gồng gánh'' thế hệ của ông bà, bố mẹ chúng ta. Trượt giá thời đó quả thực rất lớn.
>> Vị đắng tuổi già không lương hưu
Bạn đang làm việc văn phòng, tuy lương không cao nhưng đóng BHXH là bắt buộc, ngoài ra còn có doanh nghiệp hỗ trợ một phần lớn cho bạn nữa, vì thế rất nên đóng và cứ duy trì thế đến mức tối đa có thể. Sau này, nếu đóng đủ bạn sẽ được hưởng lợi từ các thế hệ sau, hoặc nếu không bạn vẫn có thể rút một lần khi không còn sự lụa chọn nào khác. Đừng nên vội vàng rút khi bạn còn có thể tiếp tục.
Bảo hiểm xã hội của nước ta đang được thiết kế khá đơn giản theo kiểu đóng bây giờ - hưởng mai sau, khá đơn sơ so với quy mô và dạng thức linh hoạt, tiên tiến của nhiều nước. Người lao động bắt buộc phải đóng đủ số năm và chờ đủ tuổi mới được nhận lương hưu. Quy định có phần thiếu linh hoạt đó khiến BHXH chưa đủ sức hấp dẫn.
Theo tôi, nếu BHXH thay đổi quy định theo hướng người lao động có thể nghỉ hưu và nhận lương hưu bất kỳ lúc nào và tính toán ra mức lương hưu tương đương cho từng thời điểm, thì sẽ là một giải pháp căn cơ. Ví dụ, bạn đóng bảo hiểm xã hội 10 triệu mỗi tháng, trong 10 năm. Nếu lấy lương hưu ở tuổi 40, thì mỗi tháng bạn được lĩnh 2 triệu đồng chẳng hạn. Nếu rút ở tuổi 50 bạn sẽ được nhận 7 triệu đồng một tháng. Còn nếu chờ đến 65 tuổi, bạn sẽ nhận đủ 15 triệu đồng một tháng.
Khi đó, người đóng BHXH sẽ tự chủ động được tài chính của họ, ai cũng có thể lên kế hoạch dài hạn và tính toán đóng ra sao, rút thế nào cho phù hợp hoàn cảnh cá nhân. Đó mới là mấu chốt giúp BHXH chiếm được lòng tin của người lao động.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.