Thời gian vừa qua, có rất nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng tỷ lệ người lao động rút BHXH một lần ngày một tăng cao, thay vì tiếp tục tìm kiếm cơ hội tham gia hưu trí để sau này được nhận lương hưu. Hiện nay, tồn tại hai luồng quan điểm trái ngược nhau xung quanh câu chuyện này: một bên là đại diện cho những người rút BHXH một lần do những khó khăn trước mắt (không có việc làm, không đủ thời gian đóng, không đủ sức khỏe để chờ đủ năm nhận lương hưu...); bên còn lại chỉ ra những giá trị, ý nghĩa của BHXH (tâm tâm tuổi già, giảm gánh nặng an sinh cho xã hội...) và khuyên mọi người nên tiếp tục tham gia BHXH chờ đến khi đủ tuổi nhận lương hưu.
Tất nhiên, bên nào cũng có lý lẽ riêng của mình để bảo vệ quan điểm. Rất khó để khẳng định bên nào đúng, bên nào sai, bởi nó còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác tác động vào. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta vẫn chưa nhìn thẳng vào căn nguyên sâu xa khiến nhiều người từ bỏ hưu trí, đó là những bất hợp lý còn tồn tại trong chính sách BHXH hiện hành, liên quan đến các quy định như:
Thứ nhất, số năm đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu là quá dài (20 năm); quy định tuổi nghỉ hưu khá cứng nhắc đối với người lao động (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi).
Thứ hai, sự bất hợp lý giữa tỷ lệ đóng - hưởng (tối đa được hưởng 75% mức tiền lương đóng với điều kiện đủ 35 năm đóng BHXH).
Thứ ba, cách tính tiền lương bình quân để làm cơ sở tính lương hưu chưa hợp lý.
>> Chọn số năm đóng BHXH để nhận lương hưu
Giải quyết được các vấn đề này, chắc chắn bài toàn 'rút BHXH một lần' sẽ tìm được lời giải. Do đó, muốn giảm tình trạng người lao động rút BHXH một lần hàng loạt, thiết nghĩ, các nhà quản lý cần phải lắng nghe nhiều hơn ý kiến của người lao động, xem những khó khăn mà họ đang gặp phải là gì, để từ đó tìm ra đúng nguyên nhân (tức là "bắt đúng bệnh" mới có thể "điều trị khỏi") trước khi tiến hành việc điều chỉnh luật BHXH và các luật khác có liên quan quan. Có như vậy, BHXH - một chính sách rất nhân văn mới có thể đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, là chiếc phao cứu sinh, là niềm tự hào của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.
Ngược lại, nếu không nghiên cứu thấu đáo, đầy đủ và tìm đúng các nguyên nhân, hạn chế của chính sách BHXH hiện hành, dẫn đến thực trạng rút BHXH một lần tăng cao, mà cứ vội vàng điều chỉnh một cách chắp vá, chúng ta sẽ không thể giải quyết được vấn đề một cách căn cơ. Khi đó, hậu quả là người lao động vẫn sẽ rút BHXH một lần và nguy cơ người già trở thành gánh nặng cho cho xã hội vẫn là một hiện thực không xa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.