Anh Thắng, 36 tuổi, vốn là công nhân cơ khí, bỏ ngoài tai lời khuyên của nhân viên Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức rằng 10 năm đóng bảo hiểm là rất dài, nếu rút sẽ giảm cơ hội được hưởng lương hưu. Lao động phổ thông đóng bảo hiểm trên chục năm rất ít nên mong anh giữ lại. Ngoài ra, với giai đoạn trước năm 2014, mỗi năm đóng anh chỉ nhận 1,5 tháng lương mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm trong khi tổng số tiền nộp đến 2,64 tháng, tức bị mất hơn một tháng.
"Tôi cần tiền để gửi về quê ở Quảng Bình nuôi ba con nhỏ", anh Thắng dứt khoát. Để chuẩn bị cho việc này, đầu năm ngoái anh chủ động nộp đơn nghỉ việc, dừng tham gia bảo hiểm xã hội. Anh cũng lên mạng tìm hiểu, tính sơ bộ số tiền dự kiến được nhận vào khoảng 80 triệu đồng.
Gần một năm qua, anh xin vào làm thời vụ, nhận lương theo ngày cho một xưởng cơ khí ở TP Thủ Đức. Cùng đi với anh Thắng là anh Nguyễn Tuấn Đức, 38 tuổi, quê Hà Tĩnh, có hơn 10 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Cả hai nói rằng chưa từng nghĩ đến lương hưu bởi "25 năm nữa là quá dài", trong khi vợ con ở quê cần tiền, dịch ập đến tốn rất nhiều chi phí.
Cũng chủ động nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân). Khi còn 5 tháng nữa tròn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện về thời gian tham gia để hưởng lương hưu, chị quyết định đưa đơn thôi việc.
Ở tuổi 40, chị Liên nói mình còn quá trẻ để nghĩ đến lương hưu trong khi gia đình còn nhiều việc phải lo. Hai con nhỏ đang đi học, món nợ xây nhà đến hạn phải trả nhưng vợ chồng không có khoản tích lũy nào. 5 năm trước, vợ chồng chị xây căn nhà nhỏ ở Tân Uyên (Bình Dương) sau nhiều năm tích góp, vay mượn. Hiện, chồng con về nơi ở mới, chị vẫn trọ gần công ty để tiện đi làm.
"Nếu không đến thời hạn 20 năm đóng bảo hiểm chắc tôi chưa nghỉ", chị Liên nói và giải thích tính đến lúc nghỉ việc đã đóng được 19 năm 7 tháng. Nếu tiếp tục làm việc sẽ vượt qua mốc 20 năm, như vậy sẽ không đủ điều kiện nhận trợ cấp một lần mà phải chờ đủ tuổi nhận lương hưu.
Người mẹ hai con thừa nhận ban đầu có chút đắn đo, nghĩ tiếc lương thâm niên mỗi tháng gần 9 triệu đồng nhưng xung quanh đồng nghiệp rủ nhau nghỉ, có người nhận cả trăm triệu đồng nên chị hạ quyết tâm. Trước Tết, chị Liên trả phòng trọ rồi chuyển về Bình Dương. Hiện tại, mỗi tháng chị nhận trợ cấp thất nghiệp hơn 5 triệu đồng, kiếm hàng về may gia công tại nhà.
Nữ công nhân tính toán sau khi đủ một năm nghỉ việc sẽ làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần, với số tiền dự kiến 150 triệu đồng. Sau đó chị xin vào công ty gần nhà, nhận hàng về may vào buổi tối bù đắp phần lương thâm niên bị mất.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, nói rằng mỗi tháng có 500-650 công nhân của nhà máy nghỉ việc, tỷ lệ 1-1,2% so với tổng số nhân sự. Nhiều người trong số này là lao động có thâm niên trên chục năm muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Vị cán bộ công đoàn lâu năm của doanh nghiệp đông lao động nhất TP HCM tính toán công nhân làm 19 năm sẽ rút bảo hiểm được chừng 130 triệu đồng. Trong khi đó, những người này có lương căn bản mỗi tháng 8-9 triệu đồng, chưa kể tăng ca, phụ cấp, thưởng Tết... chỉ cần làm một năm, tổng thu nhập đã cao hơn tiền trợ cấp một lần.
Chưa kể những công nhân nghỉ việc đã rơi vào tuổi trung niên, sau này rất khó xin việc mới, nếu xin được lương khởi điểm rất thấp, chưa đến 5 triệu đồng. Nếu ở lại Pou Yuen, công ty tạo điều kiện làm việc đến tuổi hưu, đảm bảo đầy đủ chế độ phúc lợi. Công đoàn cũng dẫn chứng nhiều trường hợp người thật việc thật, làm việc ở nhà máy, giờ về hưu có lương, cuộc sống đỡ vất vả.
"Tuyên truyền, giải thích nhiều nhưng vẫn nhiều người lựa chọn rời công ty", ông Nghiệp nói và cho rằng có thể hoàn cảnh của họ quá khó khăn, người thân đau ốm, cần tiền xây, sửa nhà... nên không còn lựa chọn nào khác.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội TP HCM, số lao động chọn nhận trợ cấp một lần có quá trình tham gia bảo hiểm trên 10 năm tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2015, cơ quan này giải quyết gần 75.000 hồ sơ, trong đó hơn 8.200 người đóng bảo hiểm xã hội trên 10 năm, chiếm tỷ lệ 11%. Năm 2018, tỷ lệ này là gần 19% với gần 18.000 người.
Năm 2019, tỷ lệ người đóng bảo hiểm trên 10 năm rút một lần tăng lên 21%, với hơn 20.000 người; năm 2020 trên 22% với số người nhận gần 25.000. Từ đầu năm 2021 đến nay, Bảo hiểm xã hội TP HCM chi trả chế độ trợ cấp một lần cho hơn 148.000 người, trong đó có hơn 23.000 người tham gia bảo hiểm trên 10 năm. Không ít trường hợp chỉ còn thiếu 1-3 tháng là đủ 20 năm.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt hơn chờ nhận lương hưu, đặc biệt những người có quá trình tham gia trên 10 năm.
Theo quy định, tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (tổng các loại bảo hiểm đến 32%). Trong đó, lao động đóng 8% và chủ doanh nghiệp đóng 14%. Tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận trợ cấp một lần, với mỗi năm tham gia trước năm 2014, người lao động chỉ nhận được 1,5 tháng lương, con số này từ năm 2014 trở đi là 2 tháng.
Không chỉ nhận tiền ít hơn số đóng vào, khi rút một lần, về già người lao động sẽ không có lương hưu, phải sống phụ thuộc người thân; mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí... Do đó với những hồ sơ có quá trình tham gia lâu năm, Bảo hiểm xã hội TP HCM yêu cầu cán bộ tiếp nhận tư vấn để người lao động giữ lại bởi khi đã rút không thể đóng lại.
Để giữ người dân ở lại với lưới an sinh, Bảo hiểm xã hội TP HCM kiến nghị nhà nước nên kéo dài thời gian quy định để lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Nếu muốn rút, người lao động phải có nghỉ việc, không tham gia bảo hiểm xã hội từ 2 đến 3 năm (tùy trường hợp), so với hiện tại chỉ cần một năm. Điều này để lao động tìm việc làm mới hoặc có phương án tài chính thay thế, không trông vào tiền bảo hiểm.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đề xuất số năm đóng bảo hiểm xã hội ít nhất để được hưởng lương hưu từ 20 giảm xuống 15, tiến tới 10 năm.
Lê Tuyết