Gần 209.000 lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần trong ba tháng đầu năm, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong đó, riêng TP HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Tôi cho rằng, thực trạng đó cho thấy nhiều người đang hiểu sai về ý nghĩa của BHXH.
Cái tên BHXH đã nói lên tất cả, đó không phải là kênh kinh doanh lấy lãi, mà là khoản phòng ngừa rủi ro. Thuế và BHXH vốn là hai khoản mà rất ít người vui vẻ khi phải đóng. Nhưng muốn xã hội phát triển như các nước khác thì chúng ta buộc phải làm. Ngày nay, bước đầu chúng ta đã có tiền trợ cấp xã hội hàng tháng cho người già, người tàn tật, người neo đơn... Tiền đó không phải trên trời rơi xuống, mà chính là đóng góp từ tiền BHXH và từ thuế của người dân.
Tại sao lại gọi là BHXH bắt buộc. Điều đó có nghĩa nó vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi người. BHXH không phải là kênh đầu tư thu lợi nhuận, mà là kênh đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta cứ hay so bì với các nước phát triển có an sinh xã hội tốt, người thất nghiệp, người già được hưởng trợ cấp hàng tháng. Những chúng ta lại quên rằng, đó chính là tiền của người lao động đang đi làm đóng góp.
Hoặc ngay như chương trình Nông thôn mới, mỗi hộ gia đình mỗi năm phải góp hàng chục triệu đồng, không đơn giản, nhưng bù lại họ có đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, điện đóm sáng trưng. Nếu ai cũng cục bộ chỉ nghĩ cho bản thân, nói khó khăn không chịu đóng góp, thì đường sá lầy lội, tối tăm đến bao giờ?
>> 'Rút Bảo hiểm Xã hội một lần - tư duy ăn xổi'
Cá nhân tôi nghĩ rằng, quy định tuổi nhận lương hưu hiện nay khá hợp lý (tính chung cho lợi ích xã hội), mặc dù có thể tôi sẽ bị thiệt hơn. Ví dụ tôi đã nghèo, mua được cái xe đi làm, lại còn thu thuế của tôi, rõ ràng thấy thiệt hại trước mắt. Nhưng lợi ích to lớn và lâu dài là nhờ tiền thuế đó mà mới xây dựng được điện, đường, trường, trạm, mới có công viên, có nhà văn hóa... Những lợi ích đó không đến ngay lập tức sau khi tôi nộp thuế, mà nó đến từ từ.
Nếu ai cũng lấy lý do khó khăn để rút BHXH một lần, thì sẽ không còn trợ cấp xã hội cho người yếu thế. Trước kia từ chỗ chúng ta chẳng có gì, ngày nay người tàn tật, người già, người neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa đã nhận được trợ cấp hàng tháng, được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế miễn phí, mặc dù còn ít ỏi, nhưng dần dần như thế là phát triển rất nhiều rồi, phải qua từng bước thế thì mới đuổi kịp các nước đi trước.
Muốn có nhà to đẹp thì phải xây nhà, lúc xây thì phải chịu khổ. Nếu muốn đất nước phát triển như các nước phương Tây, muốn người thất nghiệp được nhận trợ cấp hàng tháng, thì tất cả những người đi làm phải nộp bảo hiểm. Đó là lợi ích chung cho xã hội, chứ đừng nhìn thiển cận trước mắt.
>> Tuổi già ăn bám vì rút BHXH một lần
Lấy người nọ bù người kia là nguyên tắc của bảo hiểm. Có người thiệt vì chỉ lĩnh vài năm, nhưng có người lại lĩnh mấy chục năm. Cũng như tôi tham gia bảo hiểm y tế đến nay hơn 20 năm, chưa một lần trình thẻ khi khám bệnh. Trong khi đó, như bố tôi đi bộ đội 18 năm rồi được nghỉ hưu, cả quy đổi tính thành 21 năm công tác, và cụ lĩnh lương hưu đến hơn 40 năm. Tôi vẫn trêu cụ rằng "ai cũng như bố thì ngân sách vỡ nợ".
Khi tỷ lệ người lĩnh lương hưu quá nhiều so với người đi làm, thì nguy cơ xảy ra là có thật. Những nước dân số già hóa như Nhật Bản là minh chứng khá rõ. Và chúng ta cũng đang bắt đầu bước vào tình trạng này.
Tôi thấy lạ là nhiều người bị bắt nộp BHXH thì rút hết một lần. Trong khi đó, lương đóng BHXH thì luôn ở mức thấp nhất. Vậy mà đến lúc lĩnh lương hưu thấp hay không có lương hưu thì lại kêu ca rằng nghèo khổ, không được hưởng an sinh xã hội. Suy nghĩ như vậy thì sao đất nước có thể phát triển, đi lên?
Anh Vũ
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.