Đọc những ý kiến xung quanh câu chuyện lương hưu và thực trạng "rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng cao" hiện nay, tôi cũng muốn đóng góp quan điểm của mình, hy vọng góp thêm một góc nhìn cho bức tranh toàn cảnh của BHXH Việt Nam:
Tiền trang trải cuộc sống có ai mà không cần? Nhưng nếu cứ vin vào lý do thiếu tiền thì dẫu có bao nhiêu bạn cũng sẽ tiêu hết, không chịu dành dụm, rồi những khi ốm đau, già yếu chẳng còn gì để trang trải. Đợt dịch kéo dài vừa rồi đã cho thấy một thực tế, những ai có đóng BHXH, BHTN vẫn có thể thở phào nhẹ nhõm nếu không may thất nghiệp. Những ai làm tự do mà có tính tiết kiệm, tính trước rủi ro đường dài cũng bớt khốn khó. Còn ai có đồng nào tiêu hết đồng đó hẳn sẽ rất thấm thía.
>> Tôi phải rút BHXH vì mất việc năm 47 tuổi
Ngay cả khi bạn tham gia BHXH rồi nghỉ giữa chừng, ra đi làm tự do, cũng vẫn có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện được. Sau đó, dù bạn có quay lại làm cho các công ty, tổ chức, cũng vẫn có thể tham gia tiếp BHXH được. Chính sách rất linh hoạt như vậy là có lợi cho người lao động, theo kiểu "cơm không ăn thì gạo còn đó".
Nói cách khác, BHXH là một khoản tiết kiệm cho chính mình khi già yếu, và chính vì vậy mà tôi chỉ trích một phần nhỏ trong phần thu nhập hàng tháng của mình thể tham gia. Tôi tuyệt nhiên không coi đó là một hình thức kinh doanh lấy lời, rủi ro cao. Hãy hiểu một điều rằng, tiền từ quỹ BHXH chính là tiền mà mình đóng góp, không đâu tự dưng nó có. Bạn góp ít thì sẽ chỉ lấy được ít (lương hưu), tuy nhiên vì đây là khoản tiết kiệm lâu dài, nên phải rất lâu bạn mới thấy lợi ích của nó.
>> Mơ mộng làm giàu từ rút BHXH một lần
Các bạn có bao giờ đi hỏi những người từng rút BHXH một lần xem họ làm gì với số tiền đó? Theo những gì tôi biết, đa phần những người rút BHXH là người có thu nhập thấp, nên có tiền với họ lúc nào cũng gọi là cấp thiết cả. Tôi tin số tiền họ rút BHXH một lần không đủ để giúp giảm được là bao tình trạng khó khăn của họ. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đa số người rút BHXH một lần đều không rời hệ thống BHXH, họ chỉ rút tạm thời, rồi một, hai năm sau, họ lại quay lại đóng tiếp, số tiền họ rút ra cũng không nhiều. Nhà tôi cũng có mấy người rút BHXH một lần và giờ lại tham gia BHXH tự nguyện vì hối hận với quyết định của mình.
Số tiền rút BHXH một lần có đủ để bạn mua đất kiếm lời hay mua vàng để giữ đến già? Hãy nhìn vào các công ty tín dụng phát triển như thế nào, số lượng người tham gia ra sao để biết được việc tích góp tiền khó như thế nào với nhiều người?
Quyền lợi bảo hiểm, tất nhiên ai cũng muốn nhiều hơn. Nhưng cái quan trọng là lấy ở đâu ra để hưởng? Quyền lợi cũng phải cân đối lâu dài. Mọi người chỉ mong được nhiều, còn lấy đâu ra để hưởng nhiều thì gần như không ai biết. Ai cũng muốn đóng ít, đóng thời gian ngắn nhưng lại muốn hưởng mức cao và thời gian dài. Đó có phải là tiêu chuẩn kép hay không?
>> Tuổi già ăn bám vì rút BHXH một lần
Nhiều người nói "sợ không chắc sống đến lúc đủ tuổi hưởng lương hưu nên muốn buông bỏ và rút một lần". Nhưng thực tế tuổi thọ của người Việt đang ngày một tăng. Ngay xung quanh tôi, tỷ lệ người 70-80 tuổi còn nhiều hơn xưa. Ngày xưa, ông bà có câu "thất thập cổ lai hy", nhưng nay nhiều người 70 tuổi còn ngại tổ chức mừng thọ. Rút BHXH một lần rồi tiêu hết, không có lương hưu, đến khi về già sống khổ, theo tôi còn rủi ro cao hơn là trường hợp chết trước khi đến tuổi để nhận lương hưu.
Tôi đã chứng kiến quá nhiều hoàn cảnh như vậy, từ chị gái đến chú thím ruột. Bản thân tôi cũng hơn 5 năm sống trong một xóm trọ gần 30 phòng ở TP HCM với đa số là công nhân (những người rút BHXH một lần là nhiều nhất). Chính họ đã cho tôi thấy thực tế phũ phàng của việc rút BHXH một lần.
Chắc chắn sẽ có một số ít người rút BHXH một lần và giải quyết được những việc cực kỳ quan trọng, hay sử dụng nó làm vốn để làm ăn rất hiệu quả. Nhưng đó chỉ là một số rất ít. Còn phần đông người ta rút BHXH một lần, sống qua tuổi 60 mà không có lương hưu. Cái gì cũng có giá của nó, chúng ta phải đánh giá trên mức tổng thể, còn nếu chỉ biết nhìn ngắn hạn thì rủi ro là quá lớn. Có những cái sai sửa được, nhưng chuyện này tới già bạn mới nhận ra thì lúc đó đã không còn cơ hội để sửa sai rồi.
Tôi biết không nhiều người hiểu được đầy đủ vấn đề này. Những ai có trình độ càng cao, thu nhập càng cao thì họ lại càng có xu hương đòi hỏi công ty cao hơn về mức đóng BHXH cũng như các vấn đề an sinh khác. Trong khi đó, những ai trình độ chuyên môn thấp, lương thấp lại ít quan tâm đến mức đóng BHXH, hay chế độ phúc lợi trong công việc, họ chỉ nhìn vào số tiền nhận về mỗi tháng. Đó là khác biệt về tầm nhìn.
Vài chục triệu đồng tiền BHXH một lần, liệu bạn tiêu được trong bao lâu? Tiền ai cũng cần, nhưng chắc chắn khi già yếu, bệnh tật, không có thu nhập, chúng ta sẽ cần tiền hơn lúc trẻ đang có sức khỏe để làm việc kiếm tiền. Thế nên, khi đang còn trẻ mà bạn đã có tư tưởng lấy cả tiền tích góp cho tuổi già để chi tiêu, thì đó là một sai lầm rất lớn.
>> 'Rút Bảo hiểm Xã hội một lần - tư duy ăn xổi'
Có một số hành động mà chúng ta đang làm để cải thiện chính sách BHXH. Ví dụ như giảm số năm đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 10-15 năm (đang đề xuất trong dự thảo sửa đổi luật BHXH). Xin nhấn mạnh là giảm số năm đóng BHXH tối thiểu chứ không phải giảm tỷ lệ đóng. Vì như đã nói ở trên, người lao động đóng ít thì tiền đâu để BHXH chi trả lương hưu?
Có người cho rằng phải giảm tuổi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tham gia BHXH. Nhưng tôi xin lấy dẫn chứng từ chính gia đình mình bây giờ: trẻ con đi học sáng, chiều ở trường; người lớn trong tuổi lao động đi làm cả ngày; cả nhà gần như chỉ gặp nhau một lát buổi tối hay cuối tuần. Vậy thời gian và điều kiện đâu để chăm sóc ông bà già yếu? Bây giờ ông bà nghỉ hưu mà không tham gia các hoạt động thì sẽ phải chịu cô đơn vì suốt ngày ở nhà một mình. Đó là xu hướng chung của xã hội phát triển.
Còn lao động là quyền lợi và trách nhiệm với mỗi người, không thể đang khỏe mà lấy lý do không muốn lao động, ai cũng nghỉ hết thì lấy ai làm? Nói cách khác, việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu ở mọi quốc gia. Dù là Tây hay ta thì người ta cũng phải nghiên cứu rất kỹ mọi mặt đời sống, xã hội để cân bằng lợi ích. Thế nên, Việt Nam cũng không có con đường nào khác, cũng phải đi theo xu thế chung để không bị tụt lại.
Văn Tùng
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.