Ngày 22/4, BS.CKI Vương Mỹ Dung, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng thay huyết tương giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi, rút ngắn thời gian điều trị và nằm viện, giảm nguy cơ liệt vĩnh viễn cho người mắc hội chứng Guillain-Barré. Hội chứng này là tình trạng hệ miễn dịch tự tấn công các dây thần kinh của cơ thể làm gián đoạn chức năng dẫn truyền của dây thần kinh ngoại biên... dẫn đến liệt tứ chi.
"Thay huyết tương là giải pháp sống còn điều trị bệnh Guillain-Barré", bác sĩ Dung nói. Có hai phương thức thay huyết tương là qua màng lọc hoặc bằng máy quay ly tâm. Cả hai phương thức đều mang lại hiệu quả điều trị tốt, theo bác sĩ.
Cách thức là lấy huyết tương có chứa kháng thể gây bệnh ra khỏi cơ thể người bệnh và thay bằng huyết tương mới không chứa kháng thể gây bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có phác đồ điều trị khác nhau.
Một tuần qua Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận ba người bị yếu liệt do hội chứng Guillain-Barré. Như chị Hòa, 43 tuổi, đau đầu, tê tay chân không thể cầm nắm và đi lại, liệt toàn thân sau 5 ngày xuất hiện triệu chứng. Kết quả chụp CT sọ não và xét nghiệm máu, dịch não tủy, đo điện cơ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy chị Hòa mắc hội chứng Guillain-Barré.
Bác sĩ Dung cho biết nếu không được thay huyết tương kịp thời, bệnh của chị Hòa có nguy cơ nặng hơn, dẫn đến liệt cơ hô hấp, yếu cơ hầu họng gây khó nuốt, ảnh hưởng hệ thần kinh thực vật, có thể tử vong. Sau lần thứ 4 thay huyết tương, chị Hòa tự đi lại được. Đến lần thứ 5 thay huyết tương, tay và chân hồi phục bình thường, chị xuất viện.
Tương tự, ông Tùng, 53 tuổi, Việt kiều Mỹ, xuất hiện các triệu chứng tê tay và chân sau khi đi du lịch nước ngoài về, do Guillain-Barré. Bệnh diễn tiến nhanh khiến ông tê yếu tay chân sau 4 ngày. Sau 5 lần thay huyết tương, sức khỏe ông hồi phục gần như hoàn toàn.
Gia đình ông cũng có người mắc bệnh này, điều trị ở Mỹ bằng kỹ thuật thay huyết tương. "Chi phí ở Việt Nam bằng 1/3-1/4 so với Mỹ", ông nói. Chi phí thay huyết tương tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tùy thuộc vào tình trạng và thể tích huyết tương của mỗi người bệnh, dao động khoảng 30-50 triệu đồng, theo bác sĩ Dung.
BS.CKI Trần Nguyễn Uyên Dung, khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết hiện y văn vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây hội chứng Guillain-Barré. Bệnh thường liên quan đến nhiễm trùng, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp trên và viêm dạ dày ruột. Một số tác nhân có thể liên quan đến hội chứng này như vi khuẩn Campylobacter jejuni, virus cúm, virus đường ruột và các virus khác như Cytomegalo, Epstein-Barr, Zika...
Bệnh nhân điều trị sớm, sau khởi phát triệu chứng 7-14 ngày, hiệu quả cao nhất. Do đó, người có các triệu chứng như yếu cơ, tê hay ngứa ran tay và chân, nuốt nghẹn hay nuốt sặc, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trường hợp phát hiện muộn, người bệnh vẫn bị yếu cơ dù đã thay huyết tương. Để cải thiện, người bệnh cần thời gian tập phục hồi chức năng để tăng cường cơ bắp và phục hồi khả năng vận động.
Hiện kỹ thuật thay huyết tương còn hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nặng như viêm gan cấp, nhược cơ, viêm tụy cấp do tăng triglyceride, sốc nhiễm trùng nặng gây suy đa cơ quan tiến triển đáp ứng kém điều trị nội khoa, cơn bão giáp (biến chứng cấp tính nguy hiểm của cường giáp).
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |