Trả lời:
Trung bình 100 g rau đay cung cấp khoảng 34 calo, bao gồm 5,8 g carbohydrate, 4,7 g protein và 0,3 g chất béo. Thực phẩm còn chứa 18 loại vitamin (C, B2, B6, B9...) cùng nhiều khoáng chất (sắt, đồng, canxi, magiê...) và nhiều chất chống oxy hóa thuộc nhóm polyphenolic (axit caffeic, axit trans-ferulic, rutin, axit ellagic, quercetin...).
Bạn có thể ăn rau này khi mang thai nhưng nên vừa phải. Hiện chưa có nghiên cứu về hàm lượng hay giới hạn an toàn mà mỗi thai phụ có thể ăn rau đay mỗi ngày. Tổng lượng rau tươi (khi chưa nấu chín) thai phụ có thể ăn tối đa không nên vượt quá 240 g mỗi ngày trong quý một, không quá 320 g mỗi ngày trong quý hai, không hơn 400 g mỗi ngày trong quý ba thai kỳ.
Thai phụ ăn rau đay với hàm lượng vừa phải có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe cho cả mẹ và bé. Rau đay chứa nhiều chất chuyển hóa thứ cấp flavonoid alkaloid có khả năng ngăn ngừa chuyển dạ sớm (sinh non).
Dưỡng chất trong thực phẩm này góp phần làm giảm nguy cơ tiền sản giật ở mẹ bầu, hỗ trợ thai nhi phát triển. Ví dụ như vitamin B2 hỗ trợ thai nhi phát triển xương, cơ và thần kinh. Vitamin B6 giúp thai nhi hình thành các tế bào hồng cầu, kháng thể, chất dẫn truyền thần kinh. Vitamin B9 góp phần tổng hợp vật liệu di truyền (DNA, RNA) và biệt hóa tế bào, giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở tủy sống, não bộ.
Vitamin C trong rau đay hỗ trợ hình thành collagen cho gân, xương, cơ và da của thai nhi. Canxi tham gia hình thành xương, hộp sọ, răng và cơ bắp. Magie làm giảm nguy cơ thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung...
Tuy nhiên, lạm dụng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Rau đay khi nấu chín tiết ra nhiều chất nhầy, chủ yếu chứa chất xơ hòa tan pectin. Thai phụ có hệ tiêu hóa nhạy cảm hấp thụ nhiều pectin dễ bị tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu. Rau đay cũng chứa nhiều oxalat - hợp chất có thể ngăn cản quá trình hấp thụ canxi từ ruột vào máu. Tiêu thụ thực phẩm quá mức có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng thai kỳ đa dạng thực phẩm, cân đối các nhóm dưỡng chất quan trọng gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Tình trạng sức khỏe, cơ địa mỗi thai phụ có thể khác nhau. Bạn nên đi khám thai định kỳ tại chuyên khoa sản và khám dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn chế độ ăn phù hợp.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |