Trả lời:
Rau ngót là một loại cây ăn lá phổ biến tại Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Lá rau ngót được sử dụng phổ biến trong nhiều món ăn nhờ hương vị ngọt thanh đặc trưng, dùng trong các món canh, món cháo hoặc món xào ngon miệng.
Rau ngót ít calo nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Trung bình 100 g rau ngót cung cấp cho cơ thể 35 calo, trong đó bao gồm: 3,4 g chất đường bột, 2,5 g chất xơ, 5,3 g protein và hoàn toàn không chứa chất béo. Về giá trị dinh dưỡng, rau ngót nổi bật với hàm lượng cao vitamin C, vitamin A, folate, vitamin B2, các khoáng chất quan trọng như canxi, sắt và magiê.
Không những thế, rau ngót còn có chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe như lutein và zeaxanthin.
Tuy vậy, bà bầu không nên ăn nhiều rau ngót vì loại rau này có chứa papaverin – một hợp chất chống co thắt (làm giãn trương lực) tất cả các mô cơ trơn trên cơ thể, bao gồm cả cơ tử cung. Khi vào cơ thể, papaverin có tác động làm giãn trương lực của tử cung, cơ tim và cơ của các động mạch lớn. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp, hô hấp, tuần hoàn máu, khiến mẹ bầu mệt mỏi, uể oải, và đe dọa sự phát triển ổn định của thai nhi.
Theo khuyến cáo của Dược Thư Quốc Gia Việt Nam do Bộ Y tế ban hành, mẹ bầu không nên ăn rau ngót hoặc tiêu thụ papaverin trừ khi thật cần thiết. Bên cạnh papaverin, tác hại mà rau ngót có thể gây ra cho bà bầu còn đến từ hợp chất glucocorticoid. Hợp chất này có tác hại cản trở cơ thể mẹ bầu hấp thu canxi và phốt pho.
Thay vì ăn nhiều rau ngót, bạn có thể dùng những loại rau rất tốt cho bà bầu như cải bó xôi, bông cải xanh, cải thìa, rau muống... Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm an toàn, được khuyến nghị cho bà bầu. Bạn nên đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được làm xét nghiệm vi chất, đánh giá tình trạng thiếu thừa vi chất trong cơ thể và tư vấn chế độ ăn phù hợp cho cả mẹ và bé.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome